Trưng bày ấn phẩm chữ Quốc ngữ tại Pháp

Triển lãm 'Chữ Quốc ngữ với quá trình thúc đẩy văn hóa tại Việt Nam giai đoạn 1860-1945' được tổ chức từ ngày 3/4 đến ngày 31/5 tại Thư viện Đại học Ngôn ngữ và Văn minh (BULAC), giới thiệu tới công chúng, học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Pháp và quốc tế một số tác phẩm điển hình bằng chữ quốc ngữ mang dấu ấn thời kỳ đó.

Ngày 17/5, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng thăm triển lãm “Chữ Quốc ngữ với quá trình thúc đẩy văn hóa tại Việt Nam giai đoạn 1860-1945”. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Ngày 17/5, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng thăm triển lãm “Chữ Quốc ngữ với quá trình thúc đẩy văn hóa tại Việt Nam giai đoạn 1860-1945”. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Môn Tiếng Việt bắt đầu được giảng dạy tại Paris kể từ năm 1869 trong các lớp học tự thành lập tại Đại học Sorbonne, và phải tới khoảng năm 1871-1872 mới chính thức được giảng dạy tại Trường Sinh ngữ Phương đông, nay là Viện quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Phương đông (INALCO).

Tại thời điểm đó, trường có liên kết với nhiều học giả tại miền nam Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký,… để đưa các ấn phẩm, sách truyện và báo chí được in ấn bằng tiếng Việt sang Pháp kể từ năm 1874.

Cùng với đó, có rất nhiều những ấn phẩm tiếng Việt được tập hợp từ Thư viện liên đại học Sinh ngữ Phương đông (BIULO), Cơ quan Đào tạo-Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn Minh Đông Á (LCAO) thuộc Trường đại học Paris Cité và Trường đại học Viễn Đông Pháp (EFEO).

Đó là lý do vì sao kho sách Việt Nam của thư viện BULAC (trực thuộc Viện INALCO) là một trong những kho tàng lâu đời nhất tại Pháp, với số lượng lên tới 13.000 đầu sách (16.500 tập), đặc biệt có hơn 9.000 đầu sách bằng tiếng Việt, cũng như khoảng một trăm đầu báo và tạp chí học thuật, trong đó có khoảng 20 đầu báo vẫn hiện hành cho tới ngày nay.

Không gian sách báo, tài liệu nghiên cứu về Việt Nam tại thư viện BULAC. (Ảnh: MINH DUY)

Không gian sách báo, tài liệu nghiên cứu về Việt Nam tại thư viện BULAC. (Ảnh: MINH DUY)

Hơn thế nữa, thư viện BULAC tiếp nhận gần một trăm văn bản bằng chữ Hán Nôm, chủ yếu là các tác phẩm văn học, phần lớn được tập hợp từ bộ sưu tập của thư viện BIULO và một số khác đến từ những bộ sưu tập cá nhân được hiến tặng, trong đó có hai ấn bản của thiên sử thi nổi tiếng “Truyện Lục Vân Tiên” xuất bản 1874 và “Kim Vân Kiều Truyện” xuất bản năm 1871 bằng chữ Hán Nôm.

Triển lãm mang tới cho công chúng một góc nhìn khách quan về quá trình phát triển của chữ viết tiếng Việt.

Đầu tiên, ngôn ngữ tiếng Việt được viết bằng chữ Hán.

Tiếp theo đó, cùng với tinh thần dân tộc và lòng yêu nước cuộn trào, các nho sĩ Đại Việt đã cho ra đời hệ thống chữ viết mang dấu ấn riêng của dân tộc với tên gọi là chữ Nôm.

Sau cùng, chữ Quốc ngữ dần xuất hiện vào đầu thế kỷ 17 và được sử dụng một cách “bí mật” bởi các nhà truyền giáo châu Âu thời bấy giờ.

Phải tới những năm 1870, xuất bản sách báo bằng chữ Quốc ngữ mới thật sự được đẩy mạnh, thông qua các bản phiên âm, bản dịch, từ điển, sổ tay ngôn ngữ và sách truyện.

Quá trình thúc đẩy việc sử dụng chữ Quốc ngữ đã góp phần tăng cường sự tiếp xúc trong nước với các với nền văn hóa và tư tưởng phương tây, dẫn đến sự phát triển của báo chí Việt Nam từ những năm 1860 và cả sự ra đời của văn học hiện đại.

Một số tác phẩm chữ Nôm và chữ Quốc ngữ được giới thiệu tại triển lãm. (Ảnh: MINH DUY)

Một số tác phẩm chữ Nôm và chữ Quốc ngữ được giới thiệu tại triển lãm. (Ảnh: MINH DUY)

Nhắc tới kho tư liệu của thư viện BULAC, không thể không kể tới tuyển tập văn học được xuất bản bằng chữ quốc ngữ từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, trong đó có cuốn tiểu thuyết “kiểu Tây” đầu tiên của Việt Nam với tựa đề “Truyện thầy Lazaro Phiền”.

Tài liệu quý hiếm này có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử văn học Việt Nam, vì nó phản ánh sự thay đổi tâm lý tiếp nhận của quá trình truyền bá chữ quốc ngữ thời bấy giờ.

Sự phát triển của chữ Quốc ngữ còn đi kèm với số lượng lớn các bản dịch tiếng Việt từ những tác phẩm văn học lớn của Trung Quốc và Pháp, như “Tam quốc chí diễn nghĩa” do Phan Kế Bính và Nguyễn Văn Vĩnh dịch, xuất bản năm 1909, “Những kẻ khốn nạn” (sau này tác phẩm được đổi tên với tựa đề nhẹ nhàng hơn: “Những người khốn khổ”) được dịch và xuất bản từ năm 1926 đến năm 1930, “Truyện ba người ngự lâm xạ thủ” dịch và xuất bản năm 1927,…

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, ông Benjamin Guichard, Giám đốc Khoa học thư viện BULAC, nhấn mạnh triển lãm được mở cửa cho toàn bộ các học sinh, sinh viên, công chúng Pháp và cả các nghiên cứu sinh, chuyên gia nước ngoài có mong muốn tìm hiểu về Việt Nam, đặc biệt là chữ Quốc ngữ.

Ông Benjamin Guichard cũng cho biết thêm: “Thời gian gần đây, chúng tôi rất vinh dự được tiếp đón một số nhà nghiên cứu và học giả nghiên cứu về Việt Nam thông qua các tư liệu cổ và ấn bản văn học được viết bằng chữ Hán Nôm và chữ Quốc ngữ”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải, phụ trách kho sách tiếng Việt của thư viện BULAC, hằng năm thư viện vẫn đặt mua từ Việt Nam hơn 200 ấn phẩm các loại, với các chủ đề đa dạng như văn học, khoa học, chính trị, kinh tế, địa phương,…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trung-bay-an-pham-chu-quoc-ngu-tai-phap-post754583.html