Trưng bày, giới thiệu trên 800 cổ vật Xứ Đông

Tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Hội cổ vật Xứ Đông - Hải Dương tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Tinh hoa cổ vật Xứ Đông - Hải Dương lần thứ I” và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là bảo vật quốc gia.

Chum gốm hoa nâu Hiệp An là hiện vật biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Trần.

Chum gốm hoa nâu Hiệp An là hiện vật biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Trần.

Trưng bày giới thiệu tới công chúng và những người yêu cổ vật, di sản văn hóa. 2 trong tổng số 11 bảo vật quốc gia của tỉnh Hải Dương hiện đang lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng tỉnh là Trống đồng Hữu Chung được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2015 và Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần.

Ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ công nhận Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là bảo vật quốc gia. Cổ vật này được phát hiện tại xã Hiệp An, huyện Kim Môn (nay là thị xã Kinh Môn) năm 1981. Đây là hiện vật gốc, độc bản, có hình thức độc đáo và là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, quý hiếm; là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Trần, phản ánh giá trị tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ thẩm mỹ của thời đại tạo tác; chum gốm hoa nâu Hiệp An là vật chứng tiêu biểu góp phần tạo nên truyền thống riêng biệt của nghề gốm truyền thống Việt Nam ở thế kỷ XIII. Ngoài hai bảo vật quốc gia, trưng bày cũng giới thiệu tới công chúng trên 800 cổ vật của gần 60 nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh.

Phục dựng Lễ hội mừng cơm mới dân tộc Thái bản U Va

Huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vừa tổ chức phục dựng thành công Lễ hội mừng cơm mới dân tộc Thái năm 2024, tại bản U Va, xã Noong Luống. Việc phục dựng thành công Lễ hội mừng cơm mới dân tộc Thái góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đồng thời để thu hút và khai thác phát triển du lịch, gắn với địa danh U Va.

Giao lưu văn nghệ chào mừng lễ hội.

Giao lưu văn nghệ chào mừng lễ hội.

Lễ hội mừng cơm mới theo tiếng Thái (ngành Thái Đen) là Pạt tông khâử mâứ. Lễ hội được phục dựng gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ diễn ra trang nghiêm, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Thái, với ý nghĩa tri ân, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên; cảm ơn ông bà, gia tiên đã luôn theo dõi, phù hộ cho con cháu trong gia đình được khỏe mạnh, làm ăn, chăn nuôi phát triển. Đồng thời cầu mong cho những vụ mùa tiếp theo gặp mưa thuận gió hòa, cây trái tươi tốt.

Lễ mừng cơm mới được đồng bào Thái coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang tính nhân văn sâu sắc. Đây cũng là dịp để anh em trong gia đình, thông gia, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết thôn bản, hướng về một cuộc sống đủ đầy.

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202410/trung-bay-gioi-thieu-tren-800-co-vat-xu-dong-655749b/