Trung lập kiểu Thụy Điển là gì?

Phía Nga đề xuất mô hình phi quân sự như Áo hoặc Thụy Điển như một lối ra cho tình hình Ukraine.

Ukraine đang đề xuất trở thành một quốc gia phi quân sự có lực lượng vũ trang riêng giống như Áo và Thụy Điển, trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho biết hôm 16/3, TASS đưa tin.

Một quy chế tương tự Thụy Điển hoặc Áo cũng đồng nghĩa Ukraine có thể là thành viên của EU nhưng không gia nhập NATO.

Reuters dẫn lời ông Mykhailo Podoliak - trưởng đoàn đàm phán Kyiv, cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - bác bỏ mô hình Áo hay Thụy Điển, nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào về mô hình Ukraine đều cần đảm bảo an ninh phòng trường hợp Ukraine bị tấn công.

Mô hình trung lập kiểu Áo

Sau Thế chiến II, lãnh thổ Áo nói chung và thủ đô Vienna nói riêng bị quân Đồng minh chiếm giữ và chia làm bốn phần do Liên Xô, Mỹ, Anh Pháp kiểm soát. Đến năm 1955, các bên ký Hiệp ước Nhà nước Áo (còn được gọi là Hiệp ước Độc lập). Cùng năm, nghị viện Áo thông qua luật hiến pháp về tình trạng trung lập.

Hiệp ước năm 1955, dù cho phép Áo có lực lượng vũ trang riêng, đề ra nguyên tắc ba không của Áo: Không tham gia liên minh quân sự; không cho phép quân đội nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ; không tham gia chiến tranh.

Tình trạng trung lập của Áo cũng giúp nước này được ghi nhận trên trường quốc tế, với việc là chủ nhà của những hội nghị thượng đỉnh giữa các lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Thủ đô Vienna cũng là nơi Liên Hợp Quốc đặt trụ sở thứ ba, sau Geneva (Thụy Sĩ), càng củng cố cam kết trung lập của Áo.

Cho đến nay, Hiệp ước Nhà nước Áo vẫn là một phần của hiến pháp nước này, và ảnh hưởng đến lập trường của Áo trong các vấn đề quốc tế.

Thụy Điển đã trung lập hơn 200 năm

Lần gần nhất Thụy Điển tham gia một cuộc chiến đã từ năm 1814, trong chiến tranh Napoleon.

Tương tự Áo, Thụy Điển cố gắng tránh xa các cuộc xung đột trong thế kỷ 20. Nước này trung lập trong Thế chiến II, cũng như là một phần của phong trào không liên kết - không tham gia hay chống lại khối liên minh nào trong Chiến tranh Lạnh.

Nguyên tắc trung lập của Thụy Điển đã bị loại bỏ sau Chiến tranh Lạnh khi nước này gia nhập Liên minh châu Âu. Nhưng quy chế không liên kết quân sự vẫn được duy trì, mặc dù Thụy Điển có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với NATO trong thập kỷ qua.

Lập trường kiên định từ Vienna

“Áo đã, đang, và sẽ duy trì trung lập. Sự trung lập luôn có lợi cho Áo cũng như người dân đất nước này”, Thủ tướng Áo Karl Nehammer nói với Der Standard.

Trong hội nghị giữa các nhà lãnh đạo EU, ông Nehammer nhắc lại tầm quan trọng của EU, NATO và Mỹ trong việc kiềm chế các hành động quân sự để tránh leo thang xung đột.

Dù vậy, ông cho biết việc EU viện trợ kinh tế và vũ khí cho Kyiv thể hiện "sự ủng hộ rõ ràng với Ukraine".

Khi được hỏi liệu việc “ủng hộ rõ ràng” có đi ngược với lập trường trung lập của Áo hay không, ông Nehammer giải thích rằng Vienna đã “bỏ phiếu trắng mang tính xây dựng”. Các nước EU không thuộc NATO như Áo, Ireland, Malta đều bỏ phiếu trắng khi liên minh đệ trình các vấn đề quân sự.

“Đây không phải thời điểm để nói về việc điều chỉnh chính sách an ninh trong thời kỳ khủng hoảng”, ông Nehammer nói, tái khẳng định lập trường trung lập của Áo sẽ không đổi.

Việc Áo không tham gia NATO là chủ đề được thảo luận trong nhiều thập niên ở nước này. Quan điểm của ông Nehammer cũng là ý kiến chung của công chúng, khi các cuộc thăm dò cho thấy có đến 80% người Áo phản đối việc gia nhập NATO.

Dù vậy, Thủ tướng Nehammer - một cựu quân nhân - nói rằng ông muốn tăng ngân sách quốc phòng lên 1% GDP từ 0,7% - con số chỉ cao hơn Ireland và Malta ở EU. Các quan chức quân sự và khảo sát công chúng cũng ủng hộ lập trường này.

Thụy Điển đang dần "ngả về NATO"?

Dù không phải thành viên NATO, Thụy Điển những năm gần đây cho thấy sự gắn kết với khối này khi thường xuyên tham gia vào các cuộc tập trận chung. Stockholm cũng tham gia vào các nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ tình báo cho NATO và Liên Hợp Quốc ở Mali, Afghanistan và Iraq.

Đối với Thụy Điển, tình trạng trung lập trong tình hình hiện nay phức tạp hơn Áo. Khảo sát tháng 3 cho thấy có 51% người Thụy Điển ủng hộ nước này gia nhập NATO. Trước đó, tỷ lệ ủng hộ tại Thụy Điển luôn ở mức khoảng 35% kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, theo Insider.

Dù có truyền thống trung lập lâu đời, đây là lần đầu tiên hơn một nửa công chúng nhiệt tình với việc gia nhập NATO.

Theo bà Anna Wieslander, Chủ tịch Viện Chính sách An ninh và Phát triển ở Stockholm, dù kết quả thăm dò ở Thụy Điển là điều bất ngờ do nhiều năm qua quan điểm trung lập gần như không thay đổi, bối cảnh chính trị trong nước có thể là rào cản ngăn chính phủ tìm cách gia nhập NATO.

Chính phủ do đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền nhấn mạnh rằng quy chế không liên kết đã phục vụ tốt cho nước này hơn 200 năm qua và chính sách an ninh không nên thay đổi quá nhiều, đặc biệt trong một môi trường biến động. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cảnh báo việc nộp đơn gia nhập NATO vào lúc này "chỉ khiến tình hình châu Âu thêm bất ổn".

Trong khi đó, các quan điểm đối lập cho biết việc tham gia NATO sẽ tăng cường an ninh cho Stockholm theo Điều 5 NATO - nhấn mạnh vào đảm bảo an ninh tập thể. Ngoài ra, gia nhập NATO cũng giúp toàn bộ khu vực an toàn hơn trước một cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai, theo AP.

Ngay giai đoạn đầu chiến dịch quân sự của Nga, Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo các nước như Thụy Điển hay Phần Lan nếu gia nhập NATO có thể đối mặt với hậu quả quân sự và chính trị.

Thụy Điển mới đây công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên 2% - con số NATO đặt ra - trong những năm tới, đánh dấu đà tăng ngân sách liên tiếp so với con số 1,02% năm 2017.

Quá trình để một quốc gia tham gia NATO vốn kéo dài nhiều năm, nhưng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết có thể rút ngắn thời gian với Thụy Điển do nước này "có mức độ tương tác cao" với NATO, và có thể chỉ kéo dài vài tháng, theo Insider.

Một Ukraine trung lập?

Sputnik ngày 7/3 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ lập tức ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt nếu chính quyền Kyiv đáp ứng những yêu cầu của Moscow, trong đó có việc sửa đổi hiến pháp để cam kết không tham gia “bất kỳ khối nào” (ám chỉ NATO).

Việc cam kết không tham gia NATO đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ phải sửa đổi Hiến pháp năm 2019 - vốn đặt mục tiêu đưa Kyiv trở thành thành viên NATO. Việc có một "Hiệp ước Nhà nước Áo" tại Ukraine được cho là đáp ứng yêu cầu của Nga về hiện trạng trung lập của Kyiv.

Về phía Ukraine, chính quyền Kyiv cũng có động thái được cho là xuống thang căng thẳng khi thừa nhận họ khó có cơ hội trở thành thành viên NATO. Thay vào đó, ông Zelensky nhận định Ukraine nên tự vệ một cách độc lập với các “đảm bảo về an ninh”, theo Reuters.

Ngày 16/3 đánh dấu những triển vọng đàm phán Nga - Ukraine, khi hai bên cho biết có hy vọng về sự thỏa hiệp, dù tiến trình đàm phán còn khó khăn.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-lap-kieu-thuy-dien-la-gi-post1303146.html