Trừng phạt Nga, cơ hội cho dầu mỏ Guyana

Trong năm nay, Guyana đã giành được thêm thị phần trong thị trường dầu mỏ của châu Âu, vì một liên doanh do ExxonMobil (Mỹ) dẫn đầu đã ghi nhận sản lượng tăng. Nhu cầu mua các loại dầu thô ngọt nhẹ cũng tăng mạnh mẽ trong bối cảnh dòng chảy dầu toàn cầu đã thay đổi.

Gian hàng của Guyana tại Triển lãm Công nghệ ngoài khơi ở Houston, Hoa Kỳ

Gian hàng của Guyana tại Triển lãm Công nghệ ngoài khơi ở Houston, Hoa Kỳ

Việc phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt vào sản phẩm dầu mỏ của Nga đã mở ra cơ hội cho những nước khai thác mới nổi như Guyana - quốc gia có loại dầu thô phù hợp với nhiều nhà máy lọc dầu của châu Âu.

Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, xuất khẩu dầu thô quý I/2023 của Guyana sang châu Âu đã tăng lên khoảng 215.000 thùng/ngày, chiếm 63% tổng sản lượng xuất khẩu của nước này (338.254 thùng/ngày). Xuất khẩu sang châu Âu cũng chiếm 50% tổng sản lượng được đem đi xuất khẩu năm 2022.

Nhờ có sản lượng ngày càng gia tăng, hai nguồn cung chính từ Guyana - liên doanh do ExxonMobil dẫn đầu và chính phủ của quốc gia Nam Mỹ này, đã có thể chuyển thêm dầu đến những nhà máy lọc dầu ở châu Âu. Dữ liệu cho thấy, phần lớn dầu thô của Guyana đang được giao dịch tại Rotterdam - một trung tâm dầu mỏ quan trọng của châu Âu.

Tuy nhiên, một số dòng chảy gia tăng đến châu Âu cũng gây thiệt hại cho các nhà máy lọc dầu ở Bờ Vịnh của Mỹ, vốn đã không nhập khẩu dầu thô Guyan từ đầu năm đến nay, dữ liệu cho thấy.

Nhập khẩu dầu từ Guyana sang châu Á không thay đổi trong năm nay: Chỉ khoảng 90.000 thùng/ngày thông qua hệ thống đường ống dẫn của Panama. Brazil đã nhận được khoảng 22.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm nay, so với 18.000 thùng/ngày của năm 2022.

Chính phủ Guyana và ExxonMobil đã không trả lời yêu cầu bình luận ngay lập tức.

Doanh thu dầu mỏ quý II/2023 của Guyana - thông qua thỏa thuận phân chia và lợi nhuận bán dầu, là 439 triệu USD, nâng số dư ngân quỹ dầu mỏ của quốc gia lên mức 1,72 tỷ USD vào cuối tháng 6.

Exxon, cùng những đối tác là Hess Corp (Mỹ) và CNOOC (Trung Quốc), là những doanh nghiệp khai thác dầu duy nhất đang hoạt động tại Guyana. Dự kiến vào năm 2027, công suất từ các dự án của họ sẽ là 1,2 triệu thùng/ngày, đưa Guyana trở thành một trong những nước khai thác dầu nổi bật nhất ở vùng Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil và Mexico.

Gần đây, Quốc hội Guyana đã thông qua luật dầu mỏ mới nhằm khuyến khích bổ sung khai thác và nâng tỷ trọng doanh thu từ dầu mỏ của đất nước. Trong vài tuần tới, Guyana sẽ mở thầu cho nhiều lô dầu ngoài khơi. Kết quả sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-phat-nga-co-hoi-cho-dau-mo-guyana-692549.html