Trung Quốc báo cáo trường hợp tử vong do cúm gia cầm độc lực cao H5N6

Trung Quốc vừa báo cáo một trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N6 gây tử vong ở một phụ nữ 52 tuổi ở tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam nước này.

Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe (CHP) của Hồng Kông cho biết các triệu chứng của người phụ nữ này bắt đầu vào ngày 13/4. Bệnh nhân đã nhập viện vào ngày 20/4 rồi qua đời 10 ngày sau đó. Một cuộc điều tra cho thấy người phụ nữ này đã tiếp xúc với gia cầm ở sân sau trước khi phát bệnh.

Theo truyền thông địa phương, người phụ nữ 52 tuổi này sống lại Tuyền Châu, thành phố lớn nhất tỉnh Phúc Kiến, nơi có dân số hơn 8 triệu người.

Trong thập kỷ qua, 91 trường hợp nhiễm H5N6 đã được báo cáo trên khắp thế giới. Trong số đó, 90 trường hợp ở Trung Quốc đại lục.

Trong thập kỷ qua, 91 trường hợp nhiễm H5N6 đã được báo cáo trên khắp thế giới. Trong số đó, 90 trường hợp ở Trung Quốc đại lục.

Chủng cúm gia cầm độc lực cao H5N6 đã xuất hiện ở các trang trại gia cầm ở Trung Quốc và các nước châu Á khác, nhưng cho đến nay, Trung Quốc và Lào là những quốc gia duy nhất báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh ở người.

Trung Quốc hiện đã báo cáo 90 trường hợp mắc cúm H5N6 kể từ khi ca bệnh đầu tiên ở người được báo cáo vào năm 2014.

Vào giữa tháng 11 năm ngoái, một phụ nữ 33 tuổi sống tại tỉnh Tứ Xuyên, miền trung của Trung Quốc cũng đã ghi nhận tử vong do nhiễm H5N6.

Người phụ nữ không được tiết lộ danh tính ngã bệnh vào ngày 22/10 sau khi đến chợ gia cầm sống. Cô được đưa vào bệnh viện địa phương hai ngày sau đó và qua đời vào ngày 14/11 sau nhiều tuần điều trị.

Có rất nhiều chủng virus cúm gia cầm khác nhau. Hầu hết chúng không lây nhiễm sang người. Nhưng 4 chủng đã gây lo ngại trong những năm gần đây, bao gồm H5N1 (từ năm 1997), H7N9 (từ năm 2013), H5N6 (từ năm 2014) và H5N8 (từ năm 2016).

Các ca bệnh ở người rất hiếm và chủ yếu xảy ra ở những người tiếp xúc với gia cầm hoặc môi trường nuôi gia cầm. Những người này thường nhiễm trùng nặng hoặc thậm chí gây tử vong.

Cúm gia cầm H5N6 được biết là gây bệnh nặng ở người ở mọi lứa tuổi và đã giết chết ít nhất 39% số người nhiễm bệnh, bao gồm cả trẻ em và thanh niên. Kết quả trong hầu hết các trường hợp khác vẫn chưa rõ ràng vì chỉ có 9 người được biết là đã hồi phục.

Không có trường hợp nào được xác nhận lây truyền từ người sang người mặc dù một phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính vào năm 2021 đã phủ nhận việc tiếp xúc với gia cầm sống.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), con người có thể bị nhiễm virus cúm gia cầm khi virus xâm nhập vào mắt, mũi, miệng hoặc qua đường hô hấp.

Hải Đăng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-bao-cao-truong-hop-tu-vong-do-cum-gia-cam-doc-luc-cao-h5n6-d111430.html