Trung Quốc bắt đầu lo lắng khi cho châu Phi vay quá nhiều
Là chủ nợ lớn nhất của châu Phi, tình trạng vỡ nợ và nguy cơ vỡ nợ của các quốc gia châu Phi là rủi ro lớn với Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc liên tục cam kết cung cấp tài chính nhiều gấp đôi, thậm chí gấp ba cho châu Phi trong các cuộc họp tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC), nhưng sau diễn đàn mới nhất năm 2018, mọi thứ có vẻ thay đổi.
Theo tờ Qz, trong năm 2020, lần đầu tiên Trung Quốc đã giảm cam kết đầu tư từ 60 tỷ USD xuống 40 tỷ USD tại cuộc họp cấp bộ trong khuôn khổ diễn dàn FOCAC mới diễn ra ở Dakar, Senegal. Đây là dấu hiệu đáng ngại với châu Phi.
Có thể dễ dàng lý giải tại sao cam kết đầu tư từ Trung Quốc cho châu Phi lại giảm mạnh. Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc không khả quan khi GDP chỉ tăng trưởng 2,3% trong năm 2020, giảm so với tỷ lệ 6% trước đại dịch. Tuy nhiên, còn nhiều điều hơn thế.
Là chủ nợ lớn nhất của châu Phi, tình trạng vỡ nợ và nguy cơ vỡ nợ của các quốc gia châu Phi là rủi ro lớn với Trung Quốc.
Zambia, quốc gia châu Phi đầu tiên thời đại dịch COVID-19 vỡ nợ công năm 2020. Nước này nợ Trung Quốc 6,6 tỷ USD.
Khi các lãnh đạo châu Phi kêu gọi đàm phán lại nợ trong bối cảnh dự báo kinh tế của châu lục ở mức yếu kém, việc Trung Quốc thắt chặt hầu bao là điều có thể hiểu được.
Mặc dù Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat hoan nghênh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình thông báo hủy nợ đáo hạn năm 2021, nhưng ông nói rằng thiếu hụt khoản đầu tư 290 tỷ USD cho châu Phi là điều đáng lo ngại. Ông đã kêu gọi Trung Quốc tăng cường nỗ lực để có thêm nhiều biện pháp giảm gánh nặng cho các nền kinh tế mà trong số đó có một số nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột.
Không chỉ muốn được hủy một số khoản nợ, ông Moussa Faki Mahamat còn kêu gọi các đối tác tận dụng diễn đàn FOCAC để ký thỏa thuận ràng buộc liên quan công trình cơ sở hạ tầng và phương thức cấp tài chính.
Để giảm nhẹ tác động khi các khoản đầu tư từ Trung Quốc giảm dần trong nhiều năm qua, các lãnh đạo châu Phi đã kêu gọi tin tưởng lẫn nhau. Tổng thống Senegal Macky Sall kêu gọi các công ty Trung Quốc có quan điểm về đầu tư vào châu Phi một cách lạc quan, tự tin hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc dường như ngày càng muốn rời xa các mô hình đầu tư vào xây dựng và cơ sở hạ tầng truyền thống để chuyển sang cách tiếp cận phát triển dựa trên khả năng của từng quốc gia.
Chủ tịch Tập Cận Bình khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư không quá 10 tỷ USD vào châu Phi trong 3 năm tới, thiết lập một nền tảng để thúc đẩy đầu tư tư nhân Trung Quốc-châu Phi và hỗ trợ châu Phi phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo một sách trắng xuất bản vài ngày trước hội nghị FOCAC, Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc đã xác nhận tầm nhìn mới của Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy mô hình phát triển mới, trong đó nền kinh tế các nước đóng vai trò chủ đạo, có sự hỗ trợ của quốc tế để củng cố lẫn nhau. Sự phát triển của Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển của châu Phi.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh cam kết về một quan hệ đối tác hai bên cùng có lợi, vạch ra Tầm nhìn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi 2035 tham vọng, bao gồm 9 chương trình trong nhiều lĩnh vực.
Chương trình thúc đẩy thương mại gồm tiếp cận thị trường miễn thuế cho các quốc gia ít phát triển nhất, một điều mà Trung Quốc đã cam kết từ hội nghị FOCAC cấp bộ lần thứ hai diễn ra ở Bắc Kinh năm 2003. Trung Quốc cũng miễn nợ phát sinh bằng cách miễn lãi suất cho các khoản nợ đáo hạn cuối năm 2021. Đây là cam kết được đưa ra tại FOCAC năm 2018.
Sự thay đổi mô hình này có thể được coi là cách để Trung Quốc đáp lại lời kêu gọi của các nước châu Phi về tiếp cận toàn diện hơn với vấn đề phát triển, tránh kiểu “ngoại giao bẫy nợ”. Tuy nhiên, vẫn còn lo lắng về việc giảm đầu tư từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới các nền kinh tế. Nhiều nền kinh tế đã bị ảnh hưởng mạnh từ COVID-19, thảm họa khí hậu, bất ổn chính trị.
Vẫn có sự lạc quan thận trọng với chương trình xúc tiến thương mại. Nếu có thể thực hiện, các nước châu Phi có thể thu hẹp thâm hụt thương mại hiện nay với Trung Quốc. Giá trị hàng xuất khẩu năm 2019 của Trung Quốc là 113,2 tỷ USD, còn nhập khẩu từ châu Phi là 95,5 tỷ USD.