Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông gây hại nghiêm trọng
Hành vi quân sự hóa phi pháp của Bắc Kinh đã tạo ra không ít 'bãi tha ma' dưới lòng biển Đông, gây hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái và dẫn đến nguồn cá bị cạn kiệt.
Tờ Philstar dẫn lời ông Gregory Poling, giám đốc của nhóm chuyên gia cố vấn tại Sáng kiến Hàng hải Châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington, cho hay tranh chấp biển Đông có thể ảnh hưởng đến sinh học biển trong khu vực.
Ông Poling cũng lưu ý rằng biển Đông là vùng biển có năng suất cao nhất thế giới, chiếm 12% tổng sản lượng cá đánh bắt cá trên toàn cầu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc đánh bắt quá mức và đặc biệt là các hành vi nạo vét, xây đảo trái phép và thu hoạch ngao hủy diệt sinh thái, đặc biệt nhất là từ phía Trung Quốc.
Hành vi quân sự hóa của Bắc Kinh khi xây đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông đã hủy hoại môi trường biển trong khu vực, dẫn sự suy giảm nguồn cá trầm trọng.
Theo giám đốc AMTI, trữ lượng cá trong khu vực đã suy giảm trầm trọng từ 70% đến 95% tùy từng loài.
Không dừng lại ở đó, hồi tháng Tư, đài ABS-CBN News đã công bố một báo cáo cho thấy hậu quả tai hại đối với môi trường từ việc khai thác ngao khổng lồ của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough.
Các hành vi trên của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nguồn cá bị cạn kiệt, đây là mối nguy rất lớn đối với sinh kế của hàng triệu người dân sống bằng nghề biển của các nước trong khu vực biển Đông.