Trung Quốc cam kết thúc đẩy hợp tác quân sự với châu Phi trên nhiều lĩnh vực
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc – châu Phi lần thứ ba tổ chức hôm qua (29/8), Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc khẳng định, trong tương lai, nước này sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự với châu Phi trên nhiều lĩnh vực.
Nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc khẳng định cam kết của nước này sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự với châu Phi, phát huy hữu nghị truyền thống.
Trong bài phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc cho rằng thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn và thay đổi mới, xã hội loài người đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Ông khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng cùng với châu Phi phát huy tình hữu nghị truyền thống, chung tay thúc đẩy thực hiện Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) do Trung Quốc đề xuất trong hợp tác Trung Quốc-châu Phi, cùng nhau ứng phó với các thách thức an ninh.
Theo ông, Trung Quốc và châu Phi cần đi sâu thực hiện đồng thuận quan trọng giữa các nhà lãnh đạo hai bên, tăng cường liên lạc chiến lược và hợp tác thực chất, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hợp tác an ninh, có những đóng góp mới lớn hơn vào duy trì an ninh khu vực và toàn cầu.
Ông tái khẳng định 4 điều “không thay đổi” trong hợp tác với châu Phi, gồm nguyên tắc hợp tác đối xử bình đẳng không thay đổi, truyền thống hợp tác tương trợ lẫn nhau không thay đổi, phương hướng hợp tác thiết thực hiệu quả không thay đổi và tinh thần hợp tác coi trọng tình nghĩa không thay đổi.
Ông cho biết, Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất và châu Phi là lục địa có nhiều quốc gia đang phát triển nhất, khẳng định Trung Quốc sẵn sàng sát cánh cùng người dân châu Phi thực hiện GSI và xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-châu Phi vì an ninh chung.
Ông cũng nhấn mạnh, trong tương lai, Trung Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự với Châu Phi trên nhiều lĩnh vực, như tập trận và huấn luyện chung, gìn giữ hòa bình và hộ tống trên biển, giáo dục quân sự và đào tạo nhân sự, nhằm mang lại sự chắc chắn, ổn định và năng lượng tích cực hơn cho một thế giới đầy biến động.
Trước đó, tại Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc - châu Phi do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đồng chủ trì tại Johannesburg (Nam Phi) hôm 24/8, ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ thực hiện “Kế hoạch Hợp tác Trung Quốc-châu Phi về đào tạo nhân tài”, dự định mỗi năm đào tạo cho châu Phi 500 hiệu trưởng và giáo viên cốt cán cho các trường cao đẳng nghề và 10.000 nhân viên kỹ thuật biết tiếng Trung và có kỹ năng nghề, mời 20.000 quan chức chính phủ và nhân tài kỹ thuật từ các nước châu Phi tham gia các khóa đào tạo và hội thảo.
Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh tham gia vào các vấn đề hòa bình và an ninh của châu Phi. Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, hơn 80% lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc được cử đến châu Phi với hơn 32.000 lượt người thực hiện nhiệm vụ tại 17 khu vực có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trở thành quốc gia gửi lính gìn giữ hòa bình tới châu Phi nhiều nhất trong số các Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Trong lĩnh vực quản lý an ninh hàng hải, quân đội Trung Quốc đã cử 44 hạm đội hộ tống tới vùng biển Somali ở Vịnh Aden từ năm 2008, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận chung chống cướp biển với các nước như Nigeria, Cameroon. Về giải quyết các điểm nóng trong khu vực, Trung Quốc đã tham gia một loạt hội nghị hòa bình và an ninh quốc tế về Sahel, Nam Sudan và Sừng châu Phi. Tháng 1/2022, “Khái niệm phát triển hòa bình ở vùng Sừng châu Phi” đã được đề xuất. Tháng 6 cùng năm, Hội nghị hòa bình Trung Quốc-Sừng châu Phi lần thứ nhất đã được tổ chức.
Trong một phát biểu hồi cuối tháng 6 vừa qua, ông Đới Binh, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp quốc nhấn mạnh, Sáng kiến An ninh Toàn cầu của nước này coi việc hỗ trợ châu Phi chống khủng bố là một nội dung quan trọng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện đang xây dựng những chiến lược hợp tác mới với các quốc gia châu Phi, trong đó có chương trình huấn luyện quân sự cho các nước ở lục địa đen. Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Hòa bình Mỹ (USIP), trong các cựu du học sinh châu Phi tại Học viện Chỉ huy Lục quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Nam Kinh có 10 chỉ huy quốc phòng, 8 bộ trưởng quốc phòng và các cựu Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo, Guinea-Bissau, Namibia và Tanzania.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn thực hiện 10 dự án hòa bình và an ninh cho châu Phi và viện trợ quân sự cho Liên minh châu Phi (AU), nhằm hỗ trợ các quốc gia tại châu lục này duy trì an ninh khu vực và chống khủng bố.
Được biết, quyết định thành lập Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc - châu Phi được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 9/2018 và tổ chức lần đầu tiên vào tháng 7/2019. Sự kiện này sau đó đã bị đình chỉ trong 2 năm do dịch bệnh Covid-19 và vừa được nối lại vào năm 2022 dưới hình thức trực tuyến.
Diễn đàn lần thứ ba đang được tổ chức tại Trung Quốc từ 28/8-2/9. Đây là lần đầu tiên diễn đàn này được tổ chức trực tiếp hậu đại dịch. Hơn 100 đại diện cấp cao của Liên minh châu Phi và gần 50 quốc gia châu Phi đã tham dự. Chủ đề của diễn đàn lần này là “Thực hiện Sáng kiến An ninh Toàn cầu và tăng cường đoàn kết hợp tác Trung Quốc-châu Phi”.