Trung Quốc chế tạo tàu lặn không người lái vũ trang lớn đầu tiên mang ngư lôi săn tàu ngầm hạt nhân

Trong số các loại vũ khí tối tân xuất hiện những năm gần đây, ngư lôi hạt nhân 'Poseidon' của Nga đã gây sốc, nay đến lượt người Trung Quốc gây bất ngờ khi tung ra loại phương tiện tàu lặn vũ trang mới.

 Tàu ngầm không người lái của Trung Quốc (Ảnh: Guancha).

Tàu ngầm không người lái của Trung Quốc (Ảnh: Guancha).

Sau khi ngư lôi hạt nhân "Poseidon" của Nga ra đời, nhiều người cũng chờ đợi Trung Quốc sẽ có một loại vũ khí mới độc đáo. Nay điều đó dường như đã trở thành sự thật: tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần thứ 16 (IDEX-2023) ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Trung Quốc đã trình làng mẫu tàu lặn không người lái siêu lớn mới. Theo dữ liệu được công bố, phương tiện không người lái dưới nước cực lớn (XLUUV) này của Trung Quốc mang được 4 quả ngư lôi cỡ lớn, điều này cho thấy phương tiện không người lái dưới nước này có khả năng tấn công và có thể trở thành "sát thủ" chống tàu ngầm hoặc chống hạm mặt nước. Do các quốc gia khác chưa có trang bị vũ khí tương tự (giới thiệu để bán ra nước ngoài có nghĩa là có thể đã trang bị trong nước), nên loại tàu ngầm mới có tên gọi tạm thời là "CSSC-705" (do Viện 705 thuộc Tổng công ty đóng tàu Trung Quốc chế tạo), được coi là loại vũ khí mới do Trung Quốc phát triển đầu tiên.

Trung Quốc giới thiệu chiếc "CSSC-705" tại IDEX-2023) ở Abu Dhabi(Ảnh: QQ).

Trung Quốc giới thiệu chiếc "CSSC-705" tại IDEX-2023) ở Abu Dhabi(Ảnh: QQ).

Cuộc thử nghiệm hiện tại đã chứng minh, do chiếc XLUUV có nhiều ưu thế rõ ràng nhờ khả năng hoạt động liên tục lâu, tải trọng lớn và khả năng tự chủ mạnh, trong các trận hải chiến trong tương lai, hải quân các cường quốc sẽ sử dụng XLUUV nhiều hơn như một lực lượng tăng cường gấp bội để giành ưu thế khi tác chiến ngầm dưới nước. Loại vũ khí này mới này có thể được vận hành độc lập hoặc như một module mang thiết bị cảm ứng và nền tảng mang vũ khí để thực hiện các sứ mệnh "C4SIR" (thuật ngữ chỉ khái niệm Chỉ huy, Kiểm soát, Truyền thông, Máy tính, Tình báo, Giám sát và Trinh sát), thậm chí tấn công; vừa có thể độc lập tác chiến, lại cũng có thể là đầu mối thông tin liên lạc tác chiến dưới nước. Giống như số lượng lớn máy bay không người lái ứng dụng, Trung Quốc gần như đồng thời phát triển "phương tiện không người lái dưới nước" (Unmanned underwater vehicle) - nhưng hầu hết chúng đều không được trang bị vũ khí, chỉ mẫu "CSSC-705" này có năng lực tấn công mạnh mẽ.

Ảnh vệ tinh Mỹ chụp được về vụ thử nghiệm tàu XLLUUV của Trung Quốc ở Biển Đông (Ảnh: QQ).

Ảnh vệ tinh Mỹ chụp được về vụ thử nghiệm tàu XLLUUV của Trung Quốc ở Biển Đông (Ảnh: QQ).

Theo tư liệu được phân phát tại triển lãm hàng không quốc tế AbuDhabi, chiếc XLUUV “CSSC-705” này có kích thước khá lớn, sử dụng thân tàu hình giọt nước với tổng chiều dài gần 30 mét, sử dụng bánh lái đuôi hình chữ X và thiết kế chân vịt bảy cánh quạt nghiêng. Nó cũng được trang bị một cột quang điện có thể thu gọn và một mảng sonar bên cạnh. Do sử dụng thiết bị động cơ đẩy hoàn toàn bằng điện, thời lượng hoạt động liên tục của nó đạt tới 100 giờ. Nhưng điều đáng kinh ngạc nhất là chiếc XLUUV này này được trang bị 4 ống phóng ngư lôi trên đầu giống như một chiếc tàu ngầm cỡ nhỏ, khiến nó có tính chất tàu vũ trang. Theo ước tính, chiếc XLUUV này có thể phóng tối đa 4 quả ngư lôi cùng lúc để tấn công mục tiêu.

Qua các móc treo ở trên thân tàu, người ta nghi ngờ chiếc XLUUV này không thể được phóng từ các ống phóng ngư lôi bên trong tàu ngầm do kích thước quá lớn mà chỉ có thể được mang bên ngoài tàu ngầm cỡ lớn hoặc được thả từ các tàu mẹ nổi khác. Trước khi tham chiến hoặc khi tình hình căng thẳng, tàu mẹ có thể định kỳ thả ra một số lượng XLUUV nhất định trong vùng biển cần thiết, sau khi xuống nước, nó có thể độc lập tìm kiếm địa điểm chìm thích hợp và ở trong trạng thái chờ.

Tàu ngầm không người lái phóng ngư lôi từ dưới nước (Ảnh: QQ).

Tàu ngầm không người lái phóng ngư lôi từ dưới nước (Ảnh: QQ).

Theo tính toán tốc độ hành trình tĩnh âm của mỗi chiếc XLUUV là 5 hải lý/giờ, nghĩa là trong vòng 100 giờ (có dung sai), phạm vi khống chế không vượt quá chiều rộng khoảng 200 hải lý. Các XLUUV một khi được kích hoạt, có thể bật mảng sonar bên để theo dõi và xác định mục tiêu của kẻ thù.

Khi đã xác định được tàu địch, XLUUV có thể cơ động hướng tới mục tiêu, đồng thời lặng lẽ nổi lên mặt nước triển khai cột quang điện và ăng-ten liên lạc, để xin bộ chỉ huy lệnh có tấn công hay không. Nếu nhận được lệnh chờ, thì XLUUV sẽ tiếp tục theo dõi hoặc quay trở lại nơi chìm để tiếp tục trạng thái "ngủ im". Nếu được lệnh tấn công thì XLUUV sẽ tự quyết định phóng một hoặc hai quả ngư lôi tấn công tùy theo lượng giãn nước và các dữ liệu khác của mục tiêu, nếu đó là mục tiêu lớn thì cả 4 quả ngư lôi sẽ được khai hỏa.

Tuy nhiên, một chiếc XLUUV với công suất hạn chế có thể được trang bị sonar mảng rộng tiên tiến, cho thấy về cơ bản nó tập trung vào việc chống tàu ngầm; tàu ngầm các lớp Los Angeles, Virginia, thậm chí Seawolf class của Mỹ thường xuất hiện ở vùng biển gần Trung Quốc rất có thể là mục tiêu chính mà XLUUV của Trung Quốc đối phó.

Các tàu ngầm Mỹ hoạt động trên các vùng biển gần Trung Quốc bị coi là mục tiêu của các tàu XLUUV của Trung Quốc (Ảnh: QQ).

Các tàu ngầm Mỹ hoạt động trên các vùng biển gần Trung Quốc bị coi là mục tiêu của các tàu XLUUV của Trung Quốc (Ảnh: QQ).

Giới quân sự Trung Quốc cho rằng, XLUUV của Trung Quốc có kích thước nhỏ, ít tiếng ồn, mai phục đón mục tiêu từ nơi khác đến, có thể dễ dàng gây bất ngờ và đe dọa, trấn áp tinh thần đối phương. Theo tính toán, một chiếc XLUUV có thể tạo thành vòng trinh sát và tấn công mục tiêu trên vùng biển có diện tích khoảng 600 km2, nếu phối hợp nhiều tàu với tàu ngầm có người lái thì những "con sói dưới nước" như vậy sẽ khiến đối phương khó có thể đề phòng, đối phó và sẽ tăng cường đáng kể hoặc đảo ngược tình trạng đáng xấu hổ bị coi là "có khả năng chống tàu ngầm yếu” của Trung Quốc.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-che-tao-tau-lan-khong-nguoi-lai-vu-trang-lon-dau-tien-mang-ngu-loi-san-tau-ngam-hat-nhan-post164524.html