Trung Quốc có thêm 3 di sản địa chất quốc tế

Liên hiệp Khoa học địa chất quốc tế (IUGS) gần đây vừa công bố Danh sách 100 di sản địa chất quốc tế lần 2 và Trung Quốc có 3 địa danh liên quan đến sinh học cổ đại, địa mạo và hoạt động địa chất được công nhận, nâng tổng số di sản địa chất quốc tế của nước này lên con số 10.

Ảnh: Ba địa danh di sản địa chất của Trung Quốc được IUGS công nhận. (Ảnh: CCTV)

Ảnh: Ba địa danh di sản địa chất của Trung Quốc được IUGS công nhận. (Ảnh: CCTV)

Trung Quốc có thêm 3 địa danh được ghi tên vào Danh sách 100 di sản địa chất quốc tế lần 2, là hóa thạch thảm thực vật Ô Đạt thuộc kỷ Permi, di chỉ hóa thạch khủng long Đại Sơn Phố và địa hình Karst Quế Lâm.

Danh sách này được IUGS công bố tại Đại hội Địa chất quốc tế lần thứ 37 vừa diễn ra tại Busan, Hàn Quốc. Việc xét duyệt Danh sách 100 di sản địa chất quốc tế lần 2 này được khởi động từ đầu năm 2023. Ban giám khảo gồm 87 chuyên gia đã bình chọn ra 100 vùng di sản địa chất của 53 quốc gia từ các đề cử của hơn 700 chuyên gia đến từ 17 tổ chức quốc tế.

Vùng di sản địa chất là vùng liên quan đến di tích địa chất có tầm ảnh hưởng quốc tế, có thể lấy làm tiêu chuẩn so sánh toàn cầu, hoặc là địa điểm có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử phát triển khoa học địa cầu, có giá trị nghiên cứu khoa học cấp quốc tế và được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trước đó vào tháng 10/2022, IUGS đã công bố Danh sách 100 di sản địa chất quốc tế lần 1, Trung Quốc đóng góp 7 di sản.

Nằm ở thành phố Ô Hải, khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc, hóa thạch thảm thực vật Ô Đạt thuộc kỷ Permi là một vùng rừng cổ đại bị chôn vùi bởi tro bụi núi lửa và dần biến đổi thành than đá, cách đây khoảng 298 triệu năm. Qua nghiên cứu các mẫu vật, các nhà khoa học phát hiện có hơn 50 loại thực vật đã bị hóa thạch, điều này cho thấy tính đa dạng của khu vực rừng cổ đại ở thời kỳ đó. Hóa thạch thảm thực vật Ô Đạt được phát hiện lần đầu vào năm 1998, nhưng mãi đến năm 2003 mới được công nhận là do hoạt động núi lửa gây ra. Hiện giới khoa học quốc tế vẫn đang tiếp tục nghiên cứu sâu về vùng di sản địa chất này.

Hóa thạch thảm thực vật Ô Đạt ở thành phố Ô Hải, khu tự trị Nội Mông Cổ. (Ảnh: CCTV)

Hóa thạch thảm thực vật Ô Đạt ở thành phố Ô Hải, khu tự trị Nội Mông Cổ. (Ảnh: CCTV)

Di chỉ hóa thạch khủng long Đại Sơn Phố thuộc tỉnh Tứ Xuyên là quần thể động vật hóa thạch kỷ Jura với diện tích khoảng 70.000m2, được phát hiện lần đầu vào năm 1972. Đến nay, ở đây đã tìm thấy 200 bộ xương hóa thạch của khủng long và các loài động vật có xương sống khác, trong đó đã xác định được 29 loài thuộc 26 họ như khủng long Sauropoda, khủng long Stegosaurus và các loại động vật thuộc lớp cá, lưỡng cư, rùa, cá sấu..., tạo thành một quần thể động vật có xương sống đa dạng trong kỷ Jura. Di chỉ hóa thạch khủng long Đại Sơn Phố cũng đã giúp trả lời một số câu hỏi về lịch sử tiến hóa của loài khủng long, đồng thời cũng cung cấp mẫu vật cho công tác nghiên cứu khủng long và các loài động vật có xương sống khác.

Di chỉ hóa thạch khủng long Đại Sơn Phố đã trở thành Bảo tàng khủng long Tự Cống. (Ảnh: CCTV)

Di chỉ hóa thạch khủng long Đại Sơn Phố đã trở thành Bảo tàng khủng long Tự Cống. (Ảnh: CCTV)

Địa hình Karst Quế Lâm là đại diện tiêu biểu cho núi đá vôi lục địa. Đặc điểm chính của địa hình Karst Quế Lâm chính là đồi núi đá vôi bị xói mòn và phong hóa với nhiều hang động nằm ở khu vực sông Ly Giang, thành phố Quế Lâm, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Do sự vận động của cấu tạo địa chất thời Đại cổ sinh (bắt đầu 570 triệu năm trước và kết thúc cách đây 245 triệu năm), địa hình Karst Quế Lâm đã hình thành bồn địa đá vôi đặc biệt. Điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều thúc đẩy nhanh quá trình xói mòn và phong hóa, đến Kỷ đệ tứ đã tạo nên tính đa dạng về địa hình, địa mạo đặc thù và giờ trở thành địa điểm quan trọng để nghiên cứu về Karst.

Núi đá vôi bên dòng sông Ly Giang, thành phố Quế Lâm. (Ảnh: Hồ Quân)

Núi đá vôi bên dòng sông Ly Giang, thành phố Quế Lâm. (Ảnh: Hồ Quân)

Theo các chuyên gia, 3 địa danh được công nhận lần này của Trung Quốc có tính đại diện nổi bật cho di sản địa chất của nước này. Các nhà khoa học và cộng đồng quốc tế đánh giá cao giá trị nghiên cứu khoa học cũng như công tác bảo tồn 3 khu vực này.

HỒ QUÂN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trung-quoc-co-them-3-di-san-dia-chat-quoc-te-post828401.html