Trung Quốc đe dọa vị thế độc tôn Internet vệ tinh của Elon Musk
Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ Internet vệ tinh, cùng nhiều dự án sắp triển khai ở quốc gia này, khiến cho dịch vụ Starlink của tỷ phú Elon Musk có thể mất đi vị thế độc tôn trên thị trường.

Kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc
Theo Reuters, dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc cũng như dự án Project Kuiper của tỷ phú đồng hương Jeff Bezos.
Công ty công nghệ Trung Quốc Thiên Phàn (SpaceSail) đã mở rộng hoạt động sang Brazil và Kazakhstan, đồng thời đang đàm phán với hơn 30 quốc gia khác. Trong khi đó, Brazil cũng đang thảo luận với hãng viễn thông Project Kuiper và Telesat của Canada để mở rộng dịch vụ Internet vệ tinh.
Kể từ năm 2020, Starlink đã phóng khoảng 7.000 vệ tinh vào quỹ đạo thấp của Trái Đất (LEO), nhiều hơn tất cả các đối thủ cộng lại. Tuy nhiên, Trung Quốc coi sự thống trị này là mối đe dọa và đang đầu tư mạnh mẽ vào các mạng lưới vệ tinh của riêng mình, với mục tiêu vượt qua tiến bộ của Musk và cung cấp dịch vụ cho các khu vực hẻo lánh cũng như hỗ trợ khắc phục thảm họa.
Kế hoạch của Trung Quốc bao gồm việc phóng 43.000 vệ tinh quỹ đạo LEO và phát triển các công nghệ liên quan.
Các nhà hoạch định chính sách phương Tây lo ngại về sự mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực LEO, sợ rằng điều này có thể mở rộng chế độ kiểm duyệt Internet của Bắc Kinh.
Hoa Kỳ đã được khuyến nghị tăng cường hợp tác với các quốc gia đang phát triển để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh trong không gian được ví như một "miền Tây hoang dã", với những tiến bộ nhanh chóng và cuộc đua giành vị trí quỹ đạo.
Công ty SpaceSail, phiên âm tiếng Trung là Qianfan (Thiên Phàn), được thành lập vào năm 2023 và đã huy động được 6,7 tỷ nhân dân tệ (943 triệu USD), chủ yếu từ chính quyền thành phố Thượng Hải. Công ty mẹ của SpaceSail là Shanghai Spacecom Satellite Technology (Công ty công nghệ vệ tinh không gian Thượng Hải).
Mục tiêu của SpaceSail là triển khai 648 vệ tinh vào cuối năm 2025, hướng tới mục tiêu dài hạn là đưa 15.000 vệ tinh lên quỹ đạo LEO vào năm 2030. Dự án này được thiết kế để cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao cho người dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Trung Quốc cũng đang xây dựng các liên minh không gian tại châu Phi, cung cấp công nghệ và hỗ trợ sản xuất vệ tinh, đồng thời xây dựng các cơ sở giám sát không gian. Chẳng hạn, sự hợp tác với Ai Cập đã dẫn đến việc xây dựng một phòng thí nghiệm vệ tinh hiện đại gần Cairo, sử dụng các thành phần, công nghệ và nhân sự Trung Quốc.
Những dự án như vậy là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm xây dựng mạng lưới giám sát toàn cầu và củng cố vị thế của mình như một cường quốc không gian hàng đầu.
Nguy cơ tạo rác thải không gian
Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đang thảo luận với SpaceX về việc tham gia vào nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu rác thải không gian. Động thái này là một phần của sáng kiến "Zero Debris" của ESA, nhằm ngăn chặn việc tạo ra rác thải quỹ đạo mới vào năm 2030.
Hiện tại, 110 quốc gia hoặc tổ chức đã cam kết tham gia sáng kiến này, tuy nhiên SpaceX, công ty vận hành hai phần ba số vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo thấp của Trái Đất, vẫn chưa tham gia.
Cuộc đua thống trị thị trường Internet vệ tinh đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết, với sự tham gia của các công ty và quốc gia trên toàn cầu. Sự cạnh tranh này không chỉ thúc đẩy sự phát triển công nghệ mà còn đặt ra những thách thức về quản lý không gian và an ninh mạng trên phạm vi quốc tế.