Trung Quốc đối phó thế nào trước các lệnh trừng phạt bán dẫn mới nhất của Mỹ?
Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ ngày 7/10 đã công bố các biện pháp quản chế xuất khẩu chất bán dẫn, động thái mới nhất nhằm áp đặt hạn chế nghiêm ngặt lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc.
Các biện pháp quản chế xuất khẩu bán dẫn liên quan cho Trung Quốc của Mỹ gần đây đã làm rúng động thị trường bán dẫn toàn cầu, trở thành sự kiện "Thiên nga đen" (Black swan theory, ý nói chuyện không thể xảy ra nhưng đã xảy ra) lớn nhất trong ngành, đồng thời gây nên "cơn bão đẫm máu" trên thị trường vốn.
Xét từ nội dung văn bản của chính sách quản chế, sẽ có những tác động lớn trong các lĩnh vực sau.
Thứ nhất, hạn chế các công ty Mỹ xuất khẩu các công cụ sản xuất chip quan trọng sang Trung Quốc; hạn chế các công dân và công ty Mỹ cung cấp bất kỳ hình thức hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp nào cho các nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc.
Phạm vi của chính sách này là rất lớn, hầu như tất cả các công ty và công dân Mỹ đều bị đưa vào phạm vi kiểm soát. Do “quyền giải thích” những hạn chế này hoàn toàn thuộc về chính phủ Mỹ, nó đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ giữ quyền không bị kiểm soát để hạn chế sự tham gia của các công ty và cá nhân Mỹ vào sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc. Bên cạnh việc hạn chế thiết bị, sự "hiểm ác" của biện pháp quản chế này là nó bao gồm một số lượng lớn người Mỹ làm việc trong hoặc cho các công ty bán dẫn của Trung Quốc đều nằm trong phạm vi bị trừng phạt; buộc họ phải bối rối lựa chọn hoặc rời khỏi công ty hoặc phải từ bỏ quốc tịch Mỹ. Điều này rất giống với chính sách tàn nhẫn “giữ đầu không giữ tóc, giữ tóc không giữ đầu” sau khi nhà Thanh vào Trung Nguyên khi xưa..
Thứ hai, đặt ra các hạn chế đối với các chính phủ nước ngoài. BIS của Mỹ đã cập nhật các quy định về "Danh sách chưa được xác minh" (Unverified List, UVL). Khi BIS điều tra xem một thực thể trong UVL có tuân thủ Quy định quản lý xuất khẩu hay không, nếu chính quyền địa phương tiếp tục thiếu hợp tác, ngăn BIS xác nhận tuân thủ, thực thể này có thể được chuyển sang danh sách đen thương mại "Entity List".
Máy khắc quang EUV của ASML công cụ quan trọng để sản xuất chip(Ảnh: HK01).
Điều này có nghĩa là chính phủ Mỹ đã đưa các chính phủ/khu vực nước ngoài vào phạm vi "quyền tài phán vươn dài” trong các biện pháp hạn chế có liên quan. Bất kỳ chính phủ nào không hợp tác với chính phủ Mỹ có thể trở thành cái cớ để họ trừng phạt các công ty. Giống như hai người sắp đánh nhau, người kia muốn trừng phạt cậu con trai, nhưng lại yêu cầu người cha quỳ gối trước. Nếu người cha không quỳ xuống, anh ta ngay lập tức đánh đập và đá vào người con trai một cách vô cảm.
Thứ ba, các "siêu máy tính" và "trung tâm bigdata" của Trung Quốc sẽ bị hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt. Các hạn chế xuất khẩu mới được Mỹ đưa ra lần này đã được thiết kế cẩn thận, chẳng hạn như đưa các siêu máy tính và trung tâm dữ liệu của Trung Quốc vào phạm vi tấn công. Siêu máy tính là một thiết bị quan trọng cho tính toán quy mô lớn siêu phức tạp và là “tàu sân bay” quan trọng phản ánh khả năng chiến lược của một quốc gia trong lĩnh vực máy tính. Trung Quốc trong những năm gần đây đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển siêu máy tính và đã phát triển một số thế hệ siêu máy tính. “Trung tâm bigdata” là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số không thể thiếu để Trung Quốc hướng tới kỷ nguyên kinh tế số và có nhu cầu quy mô lớn về chip hiệu suất cao. Nhưng dưới sự kiểm soát mới của Mỹ, các siêu máy tính hoặc trung tâm bigdata của Trung Quốc có thể không lấy được chip từ bất kỳ đâu trên thế giới.
Thứ tư, chính sách quản chế xuất khẩu của Mỹ sẽ giới hạn không gian phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trong một khoảng cách thế hệ công nghệ nhất định. Ví dụ, phạm vi quản chế của quy định lần này bao gồm: quy trình sản xuất chip logic có cấu trúc bóng bán dẫn không phẳng (FinFET hoặc GAAFET) 16nm hoặc 14nm trở xuống; chip nhớ DRAM không quá 18nm; chip nhớ flash NAND 128 lớp trở lênv.v...hạn chế nghiêm ngặt việc xuất khẩu chip sang Trung Quốc với một khoảng cách thế hệ công nghệ nhất định thông qua việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Theo phân tích trong ngành, theo chính sách này, tới đây các công ty Trung Quốc chỉ có thể sản xuất chip dưới mức 28nm trong sự tuân thủ quy định của Mỹ.
So với các chính sách trừng phạt tập trung vào các công nghệ và sản phẩm cụ thể dưới thời chính quyền Trump trước đây, các chính sách kiểm soát mà chính quyền Biden đưa ra lần này mang tính nguyên tắc hơn, phạm vi rộng hơn, quyền giải thích rộng hơn và phạm vi tấn công tiềm ẩn rộng bao gồm cả nhân tài, thiết bị, công nghệ, sản phẩm, xí nghiệp. Đây là một lý do quan trọng dẫn đến cú sốc lan rộng của chính sách quản chế lần này.
Mỹ đã ra tay tàn nhẫn, Trung Quốc phải làm gì? Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc liệu có thể tồn tại? Liệu biện pháp của Mỹ có "đưa công nghệ Trung Quốc trở lại thời kỳ đồ đá" như truyền thông Anh tuyên truyền?
Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm tư vấn Anbang (ANBOUND) hàng đầu của Trung Quốc cho rằng, về ngắn hạn, tình hình thực sự không mấy khả quan. Tuy nhiên, nếu xét về mặt lịch sử, về lâu dài, những hạn chế này khó có thể bóp chết được ngành bán dẫn của Trung Quốc. Trong lịch sử, Trung Quốc đã phải trải qua các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nhiều bây giờ, và nền kinh tế, công nghệ và nguồn nhân lực của họ cũng kém hơn nhiều so với hiện tại, mà Trung Quốc đã trải qua được. Hiện nay Mỹ muốn thấy Trung Quốc hoảng loạn. Tuy nhiên, trước sự quản chế của Mỹ, giới công nghiệp Trung Quốc không thể mất lòng tin, không thể chấp nhận thua, trời không thể sập!
Anbang cho rằng, công nghiệp bán dẫn toàn cầu là một ngành phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau và cùng hợp tác, dù có mạnh như Mỹ cũng không thể một tay che trời, xây dựng một chuỗi công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ và hoàn chỉnh hoàn toàn. Trung Quốc có nhu cầu thị trường bán dẫn rất lớn. Theo Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ (SIA), năm 20211 có 15 nghìn tỷ tấm wafer được bán trên toàn cầu, với doanh số đạt kỷ lục 555,9 tỷ USD, tăng 26% so với năm trước. Từ góc độ khu vực, Trung Quốc vẫn là thị trường bán dẫn đơn lẻ lớn nhất thế giới với doanh thu tới 192,5 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm trước, chiếm 34,6% thị trường toàn cầu. Quy mô thị trường là con bài mặc cả lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn. Nếu các công ty bán dẫn của Mỹ muốn kiếm tiền ở Trung Quốc, chính phủ Mỹ không thể mãi áp dụng các chính sách quản chế ngang ngược. Dự kiến nếu Mỹ muốn kiếm tiền ở Trung Quốc, lại vừa muốn hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, thì họ phải nhượng bộ chính sách nào đó mới đạt được sự cân bằng.
Theo Anbang, đối với chính sách quản chế lần này của chính phủ Mỹ, Trung Quốc cần tích cực ứng phó. Ưu tiên hàng đầu là phấn đấu duy trì hoạt động bình thường của các công ty và ngành công nghiệp bán dẫn hiện có, đặc biệt là không ngừng dây chuyền sản xuất của một số công ty hàng đầu (như SMIC, YMTC, v.v.). Do đó, tất cả các lực lượng trong nước phải được tập hợp để duy trì hoạt động và chống chọi với làn sóng chính sách quản chế đầu tiên của Mỹ. Về các biện pháp ứng phó cụ thể, Anbang kiến nghị cần tập trung vào các khía cạnh sau:
Thứ nhất, duy trì trình độ và quy mô của nhân viên bảo trì, tập hợp nhân viên bảo trì từ khắp nơi trên thế giới càng nhiều càng tốt, cho dù đó là người Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu hay Đài Loan, dù họ còn trẻ hay đã nghỉ hưu.
Thứ hai, giải quyết đa phương vấn đề phụ tùng thay thế, đặc biệt là sử dụng rộng rãi các phụ tùng thông dụng, là những lĩnh vực mà Mỹ không thể kiểm soát hoàn toàn.
Thứ ba, nâng cấp phần mềm. Việc nâng cấp phần mềm trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn hiện khó khăn đối với Trung Quốc. Phần mềm là điểm thiếu sót của Trung Quốc và là điểm mạnh nhất của các công ty Mỹ. Ngay cả khi nhiều công ty Trung Quốc có thể mua thiết bị qua nhiều kênh khác nhau và xây dựng dây chuyền sản xuất tương đối hoàn chỉnh, nhưng nếu không nâng cấp phần mềm, sẽ dễ gặp phải những nút thắt trong sản xuất. Đây có thể là nơi các công ty bán dẫn Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong tương lai.
Thứ tư, tận dụng triệt để các kênh miễn trừ cho các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Chính sách quản chế mới nhất của chính phủ Mỹ là một con dao hai lưỡi điển hình, hạn chế đáng kể các công ty bán dẫn của Trung Quốc, nhưng nó cũng sẽ làm tổn hại đến lợi ích của các công ty vốn của Mỹ và các công ty có vốn nước ngoài khác ở Trung Quốc….
Hiện nay, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được chính phủ Mỹ miễn trừ. “Lỗ hổng” này có nghĩa đó là một kênh để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tìm kiếm sự miễn trừ tại Trung Quốc và thị trường Trung Quốc phải tận dụng triệt để điều này.
Anbang kết luận: Chính sách quản chế chất bán dẫn mới nhất của Mỹ đối với Trung Quốc đã tạo ra sóng gió lớn trong ngành bán dẫn quốc tế. Trước sức ép này, ngành công nghiệp Trung Quốc phải nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng không được mất tự tin chứ đừng nói là bỏ cuộc. Chính phủ Trung Quốc, ngành công nghiệp bán dẫn và giới kinh doanh cần xây dựng lòng tin và tích cực ứng phó. Đôi khi, bị dồn vào chỗ chết, sẽ có thể sống lại.
Theo HK01