Trung Quốc đóng tàu chiến 'như gà đẻ trứng' cho thấy lý do Mỹ cần AUKUS
Khi lực lượng hải quân Trung Quốc cố gắng tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương, Mỹ cần tìm kiếm đồng minh ở khu vực.
Trong bến tàu Thượng Hải, bước đi mở rộng tiếp theo của hải quân Trung Quốc đang thành hình: Một tàu sân bay Type 003 dài 315 mét, gần bằng kích cỡ với tàu sân bay hạt nhân lớp Gerald R. Ford mới nhất của hải quân Mỹ, được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ.
Các hình ảnh vệ tinh tiết lộ quá trình xây dựng tàu Type 003 hồi tháng 5/2021 cho thấy nó sẵn được hoàn thiện. Trung Quốc có lực lượng hải quân và ngành công nghiệp đóng tàu lớn nhất thế giới, nhưng tàu sân bay mới này tiếp tục là một bước tiến.
Nó nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đối phó với hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất – trải dài từ phía Nam Nhật Bản, giữa Đài Loan và Philippines đến Biển Đông. Nỗ lực này cũng có thể là lý do Washington muốn đưa Australia xa xôi và Anh vào khu vực trong thỏa thuận quốc phòng AUKUS, theo các chuyên gia.
15 tháng một tàu ngầm hạt nhân
Nhà nghiên cứu Sidharth Kaushal tại cơ quan nghiên cứu Rusi nhận xét: “Trong hai thập kỉ qua, Trung Quốc đã phát triển khả năng nhằm kiềm chế hoạt động tự do của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương”.
Ông giải thích: “Bắt đầu với tên lửa chống hạm tầm xa, giờ năng lực hải quân của Trung Quốc ngày càng phát triển – và đã đạt đến mức độ Mỹ chỉ có thể hoạt động được vì có các đồng minh trong khu vực”.
Sau Thế chiến thứ 2, Mỹ đã trở thành lực lượng hải quân có ưu thế lớn ở khu vực. Mỹ hỗ trợ đảm bảo an ninh cho Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng mong muốn xây dựng một lực lượng hải quân đẳng cấp thế giới trước năm 2035 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thay đổi nhanh chóng tình hình này.
Theo Lầu Năm Góc, hải quân Trung Quốc giờ có 350 tàu chiến, trong khi Mỹ chỉ có 293 – tham gia hoạt động ở khắp nơi trên thế giới. Hạm đội của Trung Quốc đã tăng gấp 3 trong 20 năm qua, và mục tiêu là tăng lên 400 tàu trước năm 2025, trong khi Mỹ có kế hoạch tăng lên 355 tàu nhưng không ấn định thời gian thực hiện cụ thể.
Liên quan đến các con số này, tàu sân bay Anh Queen Elizabeth và 8 tàu chiến hỗ trợ - trong đó có 1 tàu khu trục Mỹ, đã đến Thái Bình Dương vào mùa hè thu năm nay. Con tàu biểu tượng của hải quân Anh đã tham gia vào một loạt các cuộc tập trận đa quốc gia, được cho là truyền thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh. Các nước tham gia tập trận bao gồm Mỹ, Australia, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc. Tàu cũng sẽ đi qua Biển Đông trên đường quay về vào mùa thu.
Với thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ có công nghệ tàu ngầm hạt nhân, cho phép nước này triển khai các lực lượng dưới mặt nước ở phạm vi xa hơn. Tàu ngầm truyền thống chạy bằng diesel thông thường ở Perth, Tây Australia chỉ có thể triển khai ở Biển Đông trong 11 ngày. Hệ thống đẩy hạt nhân có thể kéo dài quỹ thời gian này ra hai tháng.
Tuy nhiên, có lẽ phải đến khoảng năm 2040, các tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Australia mới sẵn sàng. Đương nhiên nước này cũng có thể thuê lại tàu Mỹ (Anh không còn tàu thừa), trong khi đó, Trung Quốc cứ 15 tháng lại sản xuất một tàu ngầm hạt nhân, theo chuyên gia Mathieu Duchâtel từ cơ quan nghiên cứu Pháp Institut Montaigne.
Cuộc đua cân sức?
Các chuyên gia cho rằng xét về tải trọng, công nghệ và kinh nghiệm chiến đấu, Trung Quốc vẫn đang ở phía sau Mỹ. Theo quốc hội Mỹ, dù Trung Quốc có số lượng tàu lớn hơn, hải quân Mỹ có nhiều nhân lực hơn: 330.000 so với 250.000. Các tàu ngầm hiện có của Trung Quốc cũng bị đánh giá là quá “ồn ào” và đã bị phát hiện theo sau tàu Queen Elizabeth.
Chuẩn đô đốc hải quân Hoàng gia Anh đã nghỉ hưu, ông Chris Parry, nhận định: “Trung Quốc có rất nhiều thép, có khả năng và chuyên môn đóng tàu, những vũ khí tốt mà họ lấy từ người Nga. Nhưng câu hỏi là Bắc Kinh có đủ người có trình độ để vận hành các tàu mới hay không – hay nói cách khác – họ có thể chiến đấu không?”
Vẫn chưa thể trả lời câu hỏi này. Dù vậy, khi tình hình trở nên căng thẳng ở Đài Loan, Bắc Kinh thường xuyên tập trận quân sự, bao gồm các cuộc tập trận có sự tham gia của máy bay chiến đấu.
Theo Kaushal, câu hỏi lớn hơn sẽ là Mỹ sẽ hành động thế nào liên quan đến Đài Loan, và Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào, trong trường hợp triển khai sức mạnh quân sự có thể được xem là leo thang căng thẳng.
Những câu hỏi tương tự cũng được đặt ra trên Biển Đông, tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại đông tây và các mục đích quân sự, theo chuyên gia.
Tóm lại, cả hai bên đều chưa sẵn sàng dừng xây dựng năng lực hải quân. “Và cũng đừng đánh giá thấp khía cạnh cảm xúc. Đối với Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc có thể khiến các chính trị gia hành động cứng rắn hơn”, ông Kaushal nói thêm.