Trung Quốc: Dùng công nghệ cao chống gian lận thi cử

Học sinh Trung Quốc ngày càng sử dụng nhiều biện pháp tinh vi để gian lận trong kỳ thi đại học, khiến chính quyền nước này phải liên tục áp dụng công nghệ cao để kiểm soát và các thiết bị quân sự cũng được đem ra sử dung cho 'cuộc chiến' này.

Trong kỳ thi “cao khảo” (tuyển sinh đại học) năm nay, diễn ra trong hai ngày, quân đội Trung Quốc được cho là đã triển khai xe tác chiến điện tử nhằm chống gian lận. Tuyển sinh đại học ở Trung Quốc được xem là kỳ thi học thuật lớn nhất thế giới diễn ra vào tháng 6 hằng năm.

Xe tác chiến điện tử

Defense Blog đã đăng tải bức ảnh cho thấy một chiếc xe dạng Humvee mang theo các thiết bị tác chiến điện tử đậu bên ngoài khu vực tổ chức thi. Hệ thống tác chiến điện tử này được thiết kế để hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng hỗ trợ chiến thuật và tấn công điện tử. Đây là công cụ để phát hiện, định vị, làm gián đoạn hoặc suy giảm khả năng liên lạc và phối hợp của đối phương. Defense Blog không tiết lộ hình ảnh này được chụp ở tỉnh nào, điểm thi nào ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hôm 13/6, 6parker.com, trang thông tin và diễn đàn trực tuyến phổ biến trong cộng đồng người dùng tiếng Trung, đưa lên một tấm ảnh khác, góc chụp khác, cho thấy một chiếc xe tương tự tại một điểm thi khác.

Trang này viết: “Một trong những việc quan trọng nhất ở Trung Quốc là kỳ thi tuyển sinh đại học hằng năm. Những năm trước, để đảm bảo kỷ luật phòng thi và duy trì sự công bằng, chúng ta áp dụng nhiều biện pháp, ví dụ sử dụng thiết bị chặn sóng điện thoại di động. Trong những năm gần đây, các biện pháp liên tục được nâng cấp, thậm chí cả Giải phóng quân nhân dân (Quân đội Trung Quốc, gọi tắt là PLA) cũng được đề nghị tham gia”.

Xe tác chiến điện tử đậu bên ngoài một điểm thi.

Xe tác chiến điện tử đậu bên ngoài một điểm thi.

Mới đây, trên mạng xuất hiện chùm ảnh cho thấy các thiết bị tác chiến điện tử có trong trang bị quân đội xuất hiện xung quanh một số phòng thi. Một số cư dân mạng nói đùa rằng trận chiến thực sự đầu tiên của hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới của PLA là duy trì kỷ luật trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Tất nhiên, nhận định này có hơi cường điệu một chút, nhưng đây cũng là lần hiếm hoi hệ thống tác chiến thông tin và tác chiến điện tử của quân đội xuất hiện gần gũi với công chúng.

Về mặt kỹ thuật, việc PLA giám sát kỳ thi tuyển sinh đại học có thể khiến phụ huynh và công chúng yên tâm. Vậy PLA có thể cung cấp loại biện pháp bảo vệ nào về mặt bảo mật thông tin? Đã có rất nhiều hình ảnh liên quan xuất hiện trên Internet trong những năm gần đây. Trong số đó, thiết bị thường xuyên nhất là phương tiện giám sát quang phổ, từng xuất hiện nhiều lần trong các cuộc duyệt binh. Khung gầm của hệ thống này là xe chiến thuật "Đông Phong Thiết Giáp" nổi tiếng. Đặc điểm đáng chú ý nhất là trên nóc xe có một thiết bị giống cái cối đá lớn, chủ yếu dùng để giám sát tín hiệu điện tử không rõ nguồn gốc.

Trong kỳ cao khảo năm nay, học sinh Trung Quốc thi ba môn chính gồm tiếng Trung, toán và ngoại ngữ. Ngoài ra, họ có một môn thi thứ tư, lựa chọn giữa vật lý và lịch sử. Truyền thông Trung Quốc mô tả cao khảo là kỳ thi tuyển sinh đại học “khó khăn nhất thế giới” do tính cạnh tranh và cường độ cao. Học sinh phải cô đúc kiến thức của 12 năm học tập vào một loạt bài kiểm tra, thời gian cho mỗi bài là gần hai giờ. Năm nay, hơn 13,4 triệu học sinh Trung Quốc đăng ký thi cao khảo, vượt qua kỷ lục 12,9 triệu của năm ngoái, trở thành kỳ thi lớn nhất từng được tổ chức tại Trung Quốc.

Là kỳ thi rất quan trọng ở đất nước tỉ dân nên việc công chúng và giới chức tập trung sự chú ý vào là điều dễ hiểu. Mặc dù quân đội Trung Quốc chưa lên tiếng khẳng định thông tin báo chí và mạng xã hội đăng tải, nhưng việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ quân sự để chống gian lận thi cử ở nước này đã nhiều lần được đề cập.

Tờ South China Morning Post ngày 8/6 dẫn nguồn tin truyền thông Trung Quốc cho biết nhiều địa phương ở nước này đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tổ chức cao khảo. Cụ thể, các tỉnh Quảng Đông, Hải Nam và Sơn Đông đã sử dụng "hệ thống thanh sát AI" giám sát các kỳ thi.

Theo tờ Guangdong Daily, tỉnh Quảng Đông đã triển khai AI trên 386 điểm thi để phát hiện gian lận, đạo văn và các hành vi bất thường khác thông qua dữ liệu hình ảnh, video. Nếu phát hiện dấu hiệu lạ, hệ thống sẽ báo ngay cho người giám sát để có biện pháp xử lý.

Tuy nhiên, hệ thống AI không thể thay thế hoàn toàn đôi mắt con người. Tin tức Hồng Tinh, một tờ báo ở Thành Đô, cho biết thông tin cảnh báo do AI cung cấp sẽ được xác minh thủ công và các quan chức kiểm tra sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong trường hợp xảy ra tranh cãi.

Theo quy định của chính quyền địa phương, các kỳ thi kéo dài từ 75 đến 150 phút và mỗi phòng thi thường có hai giám thị với 30 thí sinh. Mặc dù việc kiểm tra an ninh và giám sát trực tuyến đã được thực hiện tại các điểm thi từ năm 2013 nhưng vẫn xảy ra các trường hợp gian lận và sự cố. Năm 2021, một thí sinh đăng ảnh chụp đề thi môn toán lên ứng dụng tìm kiếm trong thời gian thi.

Theo một phân tích của nhóm nghiên cứu thuộc Cơ quan khảo thí giáo dục Tứ Xuyên, tỷ lệ chính xác trong việc giám sát của AI cao hơn nhiều so với sự giám sát của con người. Thông qua khả năng học hỏi của AI, tập dữ liệu lớn có thể được biến thành “tài liệu học tập”, giúp cải thiện việc theo dõi kỳ thi trong tương lai.

Một thí sinh dự kỳ thi cao khảo ở Vũ Hán ngày 7/6/2024.

Một thí sinh dự kỳ thi cao khảo ở Vũ Hán ngày 7/6/2024.

Nhóm nghiên cứu cho biết AI có thể giám sát một số lượng lớn video, giúp rút ngắn thời gian xem xét. Để phát triển AI chống gian lận, các nhà phát triển phải thu thập và chú thích một lượng lớn dữ liệu về hành vi nào được coi là bất thường.

Công nghệ thị giác máy tính (cho phép máy tính "nhìn" và hiểu thế giới xung quanh, tương tự như cách con người nhìn nhận) được sử dụng để chụp và xử lý hình ảnh trong môi trường thi, trích xuất các đặc điểm của hình ảnh. Các thuật toán học máy sau đó sẽ dựa trên các đặc điểm hình ảnh này để thiết lập một mô hình xác định hành vi bất thường trong các kỳ thi, có thể áp dụng để theo dõi kỳ thi theo thời gian thực.

Gian lận và chống gian lận trong kỳ thi cao khảo là chủ đề hằng năm của báo chí Trung Quốc. Năm 2018, nước này bắt đầu áp dụng công nghệ quét mống mắt và máy dò laser bên cạnh các công nghệ tiên tiến khác. Năm đó, gần 10 triệu học sinh tốt nghiệp trung học khắp Trung Quốc đăng ký tham dự kỳ thi cao khảo. Để chuẩn bị, các cơ quan giáo dục và an ninh công cộng trên khắp đất nước đã phải tăng cường nỗ lực đảm bảo in ấn và giao bài thi an toàn, đồng thời chống gian lận có tổ chức và việc sử dụng thiết bị công nghệ cao được tuồn lậu vào các trung tâm thi cử.

Giới chức Trung Quốc đã triển khai các thiết bị gây nhiễu điện tử cấp quân sự gần các điểm thi ở tỉnh Cát Lâm vùng Đông bắc. Trước kỳ thi, chính quyền địa phương cảnh báo rằng vị trí chính xác của bất kỳ thí sinh nào sử dụng điện thoại hoặc máy nhắn tin để trao đổi tin nhắn trong kỳ thi sẽ nhanh chóng được xác định ngay khi thiết bị được khởi động.

Tỉnh miền trung Thiểm Tây tiến một bước xa hơn, áp dụng công nghệ quét mống mắt, nghĩa là quét mẫu sinh trắc học duy nhất trên mống mắt của thí sinh. Quy trình nhận dạng này được khẳng định là an toàn, chính xác hơn nhận dạng khuôn mặt hoặc dấu vân tay. Biện pháp này nhằm ngăn chặn việc gian lận thi hộ, vốn đã diễn ra. Nhưng ngay cả giải pháp tiên tiến này cũng có ít nhất một điểm yếu tiềm ẩn và các thí sinh ở Thiểm Tây năm đó được khuyến cáo không đeo kính áp tròng, nếu không sẽ bị kiểm tra danh tính bổ sung, theo Tân Hoa Xã.

Tại thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, camera hồng ngoại, máy dò laser và thậm chí cả cửa sổ chống đạn là những lớp bảo mật được thiết kế để ngăn chặn bất kỳ ai tìm cách xem lén đề thi. Các quan chức địa phương tuyên bố những biện pháp này hiệu quả đến mức ngay cả tình báo CIA của Mỹ cũng không thể lấy được đề thi mà không kích hoạt báo động.

Tai nghe siêu nhỏ dùng để gian lận thi cử.

Tai nghe siêu nhỏ dùng để gian lận thi cử.

Gian lận ngày càng tinh vi

Đi kèm với các biện pháp bảo đảm an ninh, bí mật đề thi, mỗi năm, những người tổ chức cao khảo lại đưa ra một danh sách các vật bị cấm đem vào phòng thi. Năm 2018, Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố danh sách các vật dụng bị cấm mang vào điểm thi bao gồm điện thoại thông minh, máy bộ đàm, đồng hồ thông minh và thậm chí cả chip cấy ghép. Danh sách các vật bị cấm thay đổi hằng năm, khi các hành vi gian lận ngày càng tinh vi hơn theo sự phát triển của công nghệ.

Các kỳ thi tuyển sinh đại học có tính rủi ro cao ở Trung Quốc đã tạo ra những hình thức gian lận ngày càng “sáng tạo”. Tháng 5/2015, 23 người Trung Quốc đã bị bắt vì cố gắng "sắp xếp gian lận" trước khi kỳ thi bắt đầu. Hàng trăm người khác bị phát hiện thuê người thi hộ, mua thiết bị gián điệp kiểu “điệp viên James Bond” để trao đổi thông tin bí mật. Người thi hộ được nói là có nhiều cách để vào phòng thi và một trong số đó là dán phim có in dấu vân tay của người thuê thi hộ lên đầu ngón tay để vượt qua máy kiểm tra vân tay.

Học trò ngày càng sử dụng nhiều biện pháp tinh vi để gian lận thì chính quyền cũng liên tục áp dụng công nghệ cao để kiểm soát. Ngay từ năm 2015, chính quyền thành phố Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam đã sử dụng một số máy bay không người lái (drone), theo dõi từ trên cao nhằm phát hiện dấu hiệu gian lận tại các điểm thi.

Các robot bay được trang bị máy quét để phát hiện bất kỳ tín hiệu nào phát ra hoặc được gửi đến ai đó trong tòa nhà tổ chức thi, cho dù đó là từ tai nghe siêu nhỏ, bút chụp ảnh có thể truyền tin nhắn hoặc các thiết bị như đồng hồ thông minh Apple Watch, thứ cũng bị nghiêm cấm tương tự điện thoại di động.

Trích dẫn một tờ báo chính thức của chính phủ Trung Quốc, hãng tin AP cho hay mỗi chiếc drone được sử dụng giám sát thi có giá hàng chục nghìn USD. Drone có kích thước lớn như một trụ bơm xăng khi các cánh quạt được triển khai.

Nhiều người cho rằng vấn đề gian lận ở Trung Quốc là do áp lực đè nặng lên thí sinh trước kỳ thi tuyển sinh đại học quan trọng. Cao khảo được coi là cơ hội đổi đời, đặc biệt đối với những người xuất thân từ các gia đình nghèo, ở một đất nước mà bằng cấp là điều cần thiết để có được một công việc tốt. Một số không nhỏ người Trung Quốc cho rằng làm tốt các bài thi là cách duy nhất để vào đại học. Thất bại có nghĩa là không có bằng cấp, triển vọng việc làm kém hơn và thậm chí là “một cuộc đời không có tiền đồ".

Bài thi cao khảo được chấm trên thang điểm 750 với đề thi khác nhau tùy theo từng tỉnh, thường bao gồm các bài kiểm tra về văn học Trung Quốc, toán học và ngoại ngữ (trong hầu hết các trường hợp là tiếng Anh).

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/trung-quoc-dung-cong-nghe-cao-chong-gian-lan-thi-cu-i734966/