Trung Quốc dùng phương thuốc Đông y 3.000 năm tuổi để điều trị bệnh nhân COVID-19
Trung Quốc đang tích cực áp dụng phương thuốc cổ truyền có từ 3.000 năm trước với các bệnh nhân nhiễm nCoV ở nước này, đặc biệt là tại tỉnh Hồ Bắc.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời tân Chủ nhiệm Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc Wang Hesheng cho biết các bệnh viện ở Vũ Hán đã kết hợp y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) với thuốc Tây để điều trị cho hơn một nửa số bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus Corona (nCoV) ở Hồ Bắc.
“Những nỗ lực của chúng tôi đã cho một số kết quả tốt”, ông Wang nói trong một cuộc họp báo ngày 15/2, mà không giải thích thêm chi tiết. Vị quan chức cho biết các chuyên gia hàng đầu về TCM đã được cử đến Hồ Bắc để nghiên cứu và điều trị.
Hiện nay vẫn không có loại thuốc đặc trị nào được phê chuẩn chính thức để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), đã cướp đi sinh mạng của 1.666 người ở Trung Quốc và làm khoảng 68.500 người bị lây nhiễm.
Theo ông Wang, khoảng 2.200 bác sĩ Đông y đã được điều tới Hồ Bắc.
Ông Wang Hesheng là một trong những quan chức được giao trọng trách trên tuyến đầu trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi cách tiếp cận của chiến dịch chống dịch COVID-19.
Hôm 10/2, Trung Quốc đã sa thải hai quan chức cấp cao của ngành y tế tỉnh Hồ Bắc, gồm Bí thư Đảng ủy Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, ông Zhang Jin, và Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Hồ Bắc, bà Liu Yingzi.
Ông Wang Hesheng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia, đã được bổ nhiệm làm Ủy viên thường vụ Đảng ủy tỉnh Hồ Bắc. Vài ngày sau quyết định bổ nhiệm này, Hồ Bắc thông báo sự điều chỉnh quan trọng trong cách thống kê các ca nhiễm bệnh, bao gồm cả những người được chẩn đoán qua chụp cắt lớp CT – động thái khiến con số thống kê những ca nhiễm bệnh mới tăng vọt thêm gần 15.000 người.
Tỉnh Hồ Bắc đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Bất chấp hàng ngàn bác sĩ từ khắp Trung Quốc đã được tăng cường tới đây và hai bệnh viện mới được xây dựng chỉ trong vài ngày, Hồ Bắc vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân viên y tế và nguồn cung cấp thiết bị, dụng cụ.
Trước đó, theo trang Chinadaily (website tiếng Anh của tờ Nhân Dân Nhật báo) vào ngày 6/2, trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa có phương thuốc nào hiệu quả, thì có một tín hiệu đáng mừng là Dự án nghiên cứu khoa học khẩn cấp trong phòng chống dịch COVID-19 do Cục quản lý Y học cổ truyền Trung Quốc tổ chức và thực hiện đã đạt được nhiều tiến triển.
Đánh giá quan sát lâm sàng tại 4 tỉnh, thuốc nước giải độc lọc phổi đạt hơn 90% hiệu quả trong việc trị liệu viêm phổi do nhiễm virus nCoV.
Từ ngày 27/1/2020, Cục Quản lý Y học Cổ truyền Trung Quốc với phương châm “khẩn cấp lâm sàng kịp thời hiệu dụng” đã khẩn trương khởi động dự án đặc biệt "Nghiên cứu sàng lọc các đơn thuốc hiệu quả trong y học cổ truyền Trung Quốc để phòng ngừa và điều trị viêm đường hô hấp do nCoV". Quan sát lâm sàng được tiến hành tại 4 tỉnh của Trung Quốc là Sơn Tây, Hà Bắc, Hắc Long Giang và Thiểm Tây khi sử dụng thuốc nước giải độc lọc phổi trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV mới.
Tính đến ngày 5/2, bốn thành phố thí điểm đã sử dụng thuốc nước giải độc lọc phổi này trên 214 bệnh nhân nhiễm coronavirus mới. Kết quả là hơn 90% bệnh nhân cho thấy có hiệu quả, trong đó hơn 60% bệnh nhân có biểu hiện cải thiện bệnh trạng tương đối rõ rệt và hơn 30% bệnh nhân bệnh trạng ổn định không nặng thêm.
Các chuyên gia đánh giá, thuốc nước giải độc lọc phổi là sự kết hợp tổng hợp tối ưu của các đơn thuốc cổ truyền, điều trị sốt cảm ngoại sinh do các tác nhân ngoại cảnh gây ra, có từ thời nhà Hán.
Ngày 15/2, theo trang Chinadaily, nhóm 50 bệnh nhân nhiễm nCoV đã được chuyển sang một bệnh viện dã chiến nơi được điều hành hoàn toàn bởi các bác sĩ Đông y. "Chúng tôi muốn phát huy đầy đủ tác dụng của thuốc Đông y trong điều trị cho bệnh nhân", ông Liu Qingquan, quyền Chủ tịch bệnh viện cho biết. "Các loại thuốc mới và vaccine chống nCoV vẫn đang được phát triển. Tuy nhiên, thuốc Đông y Trung Quốc đã được chứng minh hiệu quả trong cải thiện hệ miễn dịch và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trong những ngày gần đây. Chúng tôi có thể đóng góp vào cuộc chiến này", ông Liu nói.
Trong chuyến thăm bệnh viện Đông y ngày 14/2, ông Zhang Boli, Chủ tịch Đại học Y học Cổ truyền Thiên Tân, hiện là Tổng giám đốc và Chủ tịch danh dự của bệnh viện dã chiến Đông y tại Vũ Hán, cho biết: "Tôi hy vọng có thể tái lặp kinh nghiệm của Thiên Tân trong chống dịch SARS vào năm 2003 với Vũ Hán".