Các vi chất dinh dưỡng người nhiễm HIV/AIDS cần, lấy ở đâu?
Khi bị nhiễm HIV, hệ thống phòng thủ của cơ thể - hệ thống miễn dịch - hoạt động mạnh hơn để chống lại nhiễm trùng. Điều này làm tăng nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng...
Nhiễm trùng và sốt tiếp theo cũng làm tăng nhu cầu thức ăn của cơ thể. Khi bị nhiễm HIV, cần phải ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng bổ sung này. Nhu cầu như vậy sẽ tăng cao hơn nữa khi các triệu chứng của HIV/AIDS phát triển.
Theo Sổ tay Hướng dẫn sống tốt với HIV/AIDS của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) và WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), vitamin và khoáng chất rất cần thiết để duy trì sức khỏe, giúp hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường, bảo vệ chống lại nhiễm trùng cơ hội…
Các chất dinh dưỡng cần thiết với người nhiễm HIV
Dưới đây là một số vitamin và khoáng chất (chất dinh dưỡng vi lượng) quan trọng với người nhiễm HIV/AIDS và các nguồn cung cấp:
1. Vitamin A
- Tác dụng: Hỗ trợ sản xuất các tế bào bạch cầu; cần thiết cho thị lực; giúp da, niêm mạc, xương và răng khỏe mạnh; bảo vệ chống lại nhiễm trùng liên quan đến sự tiến triển nhanh của HIV.
Thiếu vitamin A cũng làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh như tiêu chảy (một triệu chứng của HIV), trong khi nhiễm trùng (do HIV) sẽ làm tăng tình trạng mất vitamin A khỏi cơ thể.
- Nguồn cung cấp: Tất cả các loại trái cây và rau quả màu vàng, đỏ, cam; rau lá xanh đậm (bao gồm rau bina, bí ngô, lá sắn, ớt xanh, bí, cà rốt, rau dền, mơ, đu đủ xoài); gan, cá có dầu; các sản phẩm từ sữa và lòng đỏ trứng… đều là nguồn cung cấp vitamin A tốt cho cơ thể.
2. Vitamin C
- Tác dụng: Vitamin C giúp cơ thể sử dụng canxi và các chất dinh dưỡng khác để xây dựng xương và thành mạch máu, tăng hấp thu sắt không hem (có trong thực vật), tăng khả năng chống nhiễm trùng, hỗ trợ cơ thể phục hồi và hoạt động như một chất chống oxy hóa, rất quan trọng đối với quá trình chuyển hóa protein.
- Nguồn cung cấp: Trái cây họ cam quýt (bưởi, cam, chanh, quýt), bắp cải, rau lá xanh, ớt ngọt... Ổi, xoài, cà chua và khoai tây cũng là nguồn cung cấp vitamin C tốt.
3. Vitamin E
- Tác dụng: Giúp bảo vệ tế bào và tăng khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể.
- Nguồn cung cấp: Thực phẩm chứa vitamin E là rau lá xanh, dầu thực vật, đậu phộng, lòng đỏ trứng, các loại hạt và hạt giống…
4. Nhóm vitamin B
- Tác dụng: Nhóm vitamin này cần thiết để duy trì hệ miễn dịch và hệ thần kinh khỏe mạnh. Tuy nhiên, vitamin có thể bị mất khỏi cơ thể do sử dụng một số loại thuốc, để điều trị bệnh lao (bệnh nhiễm trùng cơ hội ở người nhiễm HIV).
- Nguồn cung cấp: Các nguồn thực phẩm tốt bao gồm đậu trắng, khoai tây, thịt, cá, gà, dưa hấu, ngô, ngũ cốc, các loại hạt, quả bơ, bông cải xanh và rau lá xanh...
5. Sắt
- Tác dụng: Vận chuyển oxy đến máu, loại bỏ các tế bào hồng cầu cũ và xây dựng các tế bào mới.
- Nguồn cung cấp: Thịt đỏ, gia cầm, gan, cá, hải sản, trứng, đậu phộng, đậu, một số loại ngũ cốc, rau lá xanh, hạt, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây sấy khô…
6. Selen
- Tác dụng: Là một khoáng chất quan trọng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
- Nguồn cung cấp:Các nguồn cung cấp selen tốt bao gồm ngũ cốc nguyên hạt (như bánh mì nguyên cám, ngô, hạt kê), các sản phẩm từ sữa (như sữa, sữa chua và phô mai), thịt, cá, gia cầm, trứng…
7. Kẽm
- Tác dụng: Tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và vận chuyển vitamin A. Thiếu kẽm làm giảm cảm giác thèm ăn.
- Nguồn cung cấp: Các nguồn cung cấp bao gồm thịt, cá, gia cầm, động vật có vỏ, ngũ cốc nguyên hạt, ngô, đậu, đậu phộng, sữa, các sản phẩm từ sữa.
8. Canxi
- Tác dụng: Giúp răng, xương chắc khỏe; hỗ trợ chức năng tim - cơ, quá trình đông máu, huyết áp và hệ miễn dịch.
- Nguồn cung cấp: Sữa, rau lá xanh, tôm, cá khô (có xương), các loại hạt, đậu, đậu Hà Lan…
9. Magiê
- Tác dụng:Tăng cường cơ bắp, rất quan trọng cho hoạt động bình thường của hệ thần kinh, tham gia vào quá trình phát triển xương , duy trì răng khỏe mạnh.
- Nguồn cung cấp: Ngũ cốc, rau xanh đậm, hải sản, các loại hạt, đậu…
10. Iốt
- Tác dụng:Đảm bảo sự phát triển, hoạt động bình thường của não bộ và hệ thần kinh.
- Nguồn cung cấp: Cá, hải sản, sữa, muối có iốt…
Lưu ý khi bổ sung vi chất dinh dưỡng qua thực phẩm
Do hàm lượng vitamin trong thực phẩm có thể bị mất đi trong quá trình nấu, tốt nhất là chỉ nên luộc, hấp... rau trong thời gian ngắn. Rau sẽ mất một số vitamin, khoáng chất nếu ngâm trong thời gian dài.
Vỏ và hạt của ngũ cốc, các loại đậu có chứa vitamin, đặc biệt là nhóm B. Ngũ cốc tinh chế đã qua chế biến làm mất đi nhiều vitamin, khoáng chất, protein nên ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nâu, ngũ cốc chưa tinh chế là nguồn cung cấp tốt hơn bánh mì trắng và ngũ cốc tinh chế.
Ngũ cốc và bánh mì tăng cường được ưa chuộng hơn vì hàm lượng vitamin cao hơn. Tuy nhiên, đối với người bị tiêu chảy, nên tránh ngũ cốc và ngũ cốc nguyên hạt chưa tinh chế vì những chất xơ không hòa tan này làm cho tình trạng tiêu chảy trở nên tồi tệ hơn.
Thực phẩm có chất xơ hòa tan như chuối được khuyến khích. Chất xơ có trong nhiều loại thực phẩm từ thực vật. Chất xơ hòa tan sẽ liên kết nước trong ruột, do đó làm giảm tiêu chảy.
Khi lượng thức ăn nạp vào thấp, các chất bổ sung đa vitamin và khoáng chất - thường ở dạng viên - có thể giúp đáp ứng nhu cầu tăng lên. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là thực hiện chế độ ăn hỗn hợp bất cứ khi nào có thể thay vì dùng chất bổ sung.
Nếu dùng chất bổ sung, nên tuân thủ các hướng dẫn sau:
- Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về liều lượng vitamin và khoáng chất bổ sung.
- Uống viên vitamin khi bụng no và hãy kiên trì uống đều đặn.
- Dùng bất kỳ loại vitamin hoặc khoáng chất bổ sung nào theo lời khuyên trên nhãn vì dùng nhiều hơn không phải là tốt hơn. Dùng liều cao có thể gây buồn nôn, nôn, chán ăn và các vấn đề về gan, thận cũng như ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch… đặc biệt đối với vitamin A, vitamin E, kẽm và sắt.
Cần nhớ rằng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng có thể hữu ích, nhưng không thể thay thế chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.