Trung Quốc giảm lãi suất, dừng cung cấp dữ liệu thất nghiệp giới trẻ
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bất ngờ cắt giảm hai mức lãi suất cơ bản trong một động thái khẩn cấp nhằm vực dậy tăng trưởng sau khi dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế trượt sâu hơn vào khó khăn. Đồng thời, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) thông báo ngừng báo cáo tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên sau nhiều tháng tăng chóng mặt, lên các mức kỷ lục mới.
Hôm 15-8, PBoC thông báo giảm một cơ sở lãi suất chính, giúp các khoản vay kỳ hạn một năm cung cấp cho các ngân hàng xuống 2,5% từ 2,65% trước đó. Đồng thời, PBoC chuyển một khoản vay mới tương đương 55,2 tỉ đô la vào hệ thống ngân hàng. Động thái này sẽ giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
PBoC cũng cắt giảm lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) kỳ hạn 7 ngày và một tháng xuống 10 điểm phần trăm sau khi đã cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn gần đây vào tháng 6.
Các hợp đồng repo và reverse repo là những công cụ chính được sử dụng bởi các ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ liên bang (Mỹ) để quản lý nhu cầu cấp vốn của ngân hàng. Chúng tác động đến lãi suất đối với các khoản vay dành cho hộ gia đình và doanh nghiệp. PBoC cho biết đã giải ngân khoản vay ngắn hạn trị giá 28,1 tỉ đô la Mỹ thông qua hợp đồng reverse repo kỳ hạn 7 ngày với lãi suất mới thấp hơn.
Động thái cắt giảm lãi suất khẩn cấp được PBoC đưa ra để ứng phó một loạt dữ liệu bi quan về nền kinh tế đang chững lại của Trung Quốc. Các số liệu tuần trước cho thấy, tăng trưởng tín dụng suy yếu, xuất khẩu sụt giảm và chỉ số giá tiêu dùng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu mới do NBS công bố hôm 15-8 cũng cho thấy, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc đã tăng 2,5% trong tháng 7 so với một năm trước đó, giảm so với tốc độ 3,1% hàng năm được ghi nhận vào tháng 6 và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 4,4% mà các nhà kinh tế được dự đoán. Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng trước tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 3,7%, giảm từ mức 4,4% trong tháng 6 và không đạt mức dự báo tăng 4,6%. Các nhà máy Trung Quốc đang gặp khó khăn do nhu cầu yếu trong nước và nhu cầu xuất khẩu ra nước ngoài giảm dần khi người tiêu dùng phương Tây giảm chi tiêu.
Đầu tư vào tòa nhà, máy móc và các tài sản cố định khác trong 7 tháng đầu năm tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, chậm lại so với tốc độ 3,8% của nửa đầu năm.
Lĩnh vực bất động sản đón nhận thêm nhiều tin xấu. Doanh số bán nhà trong 7 tháng đầu năm tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm lại đáng kể so với mức tăng 3,7% trong sáu tháng đầu năm. Đầu tư bất động sản giảm 8,5% trong giai đoạn này, so với mức giảm 7,9% được ghi nhận trong nửa đầu năm. Trong cùng kỳ, các hoạt động khởi công xây dựng mới giảm 24,5%.
Các số liệu mới nhất làm nổi bật những thách thức của Bắc Kinh trong việc tìm kiếm động lực cho nền kinh tế khi nước này phải vật lộn với những khó khăn kinh tế đang gia tăng nhanh chóng ở trong lẫn ngoài nước.
Ở trong nước, tình trạng trì trệ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản đang bóp nghẹt hoạt động đầu tư, đóng vai trò như một lực cản lớn đối với tăng trưởng. Sự kết thúc của cơn bùng nổ bất động sản đang ảnh hưởng đến của cải của các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là họ sẽ lo lắng về tương lai kinh tế và đang tìm cách tiết kiệm tiền mặt và trả nợ thay vì mua sắm hàng hóa và dịch vụ.
Ở nước ngoài, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm do người tiêu dùng bị tác động của lãi suất. Cùng lúc đó, đầu tư vào Trung Quốc đang bị đình trệ do quan hệ với phương Tây ngày càng xấu đi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong quí 2-2023 chỉ là 4,9 tỉ đô la, mức đầu tư hàng quí thấp nhất kể từ dữ liệu được theo dõi vào năm 1998.
Các quan chức Trung Quốc đã công bố hàng chục biện pháp kích thích nhỏ trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng chúng sẽ không tạo ra tác động lớn để vực dậy nền kinh tế đang ốm yếu. Một gói kích thích lớn hơn dường như khó xảy ra vì Bắc Kinh đã nhiều lần phát đi tín hiệu không muốn tăng gánh nặng nợ nần để tài trợ cho mức thâm hụt ngân sách ngày càng lớn.
Tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp tổng thể ở khu vực thành thị của Trung Quốc tăng từ 5,2% lên 5,3%, mức cao nhất trong 5 tháng.
Tuy nhiên, NBS đã gây sửng sốt khi thông báo dừng thông báo dữ liệu thất nghiệp ở thanh niên. Giải thích về quyết định này, Fu Linghui, người phát ngôn của NBS, cho biết, Trung Quốc có 96 triệu người trong độ tuổi từ 16-24, với khoảng 2/3 trong số đó là sinh viên.
“Nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc có nên đưa những sinh viên đang tìm việc làm trước khi tốt nghiệp vào cuộc khảo sát và thống kê về lực lượng lao động hay không”, ông nói, đồng thời cho biết ngày càng có nhiều người trẻ theo học các bằng cấp cao hơn.
Fu Linghui nói NBS sẽ xem xét cách tốt nhất để xác định tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ.
Tuy nhiên, quyết định trên có thể làm dấy lên nghi ngờ về khả năng của các quan chức trong việc giải quyết một trong những điểm yếu dễ thấy nhất của nền kinh tế, và là một trong những nguồn gây lo ngại lớn nhất đối với Bắc Kinh.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng liên tục trong sáu tháng liên tiếp, lên các mức cao kỷ lục, với đỉnh điểm là 21,3% vào tháng 6. Các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng cao hơn nữa trong suốt mùa hè, khi một loạt sinh viên mới tốt nghiệp khác tham gia vào thị trường lao động.
Fu Linghui cũng bác bỏ những lo ngại về áp lực giảm giá trong một cuộc họp báo hôm 15-8. Ông nói: “Không có giảm phát trong nền kinh tế Trung Quốc, và sẽ không có giảm phát trong tương lai”.
Ông cho rằng chỉ số lạm phát giá tiêu dùng tăng trưởng âm vào tháng trước là do cơ sở so sánh cao hơn, đặc biệt là giá thực phẩm cao bất thường so với một năm trước đó.
Theo WSJ