Trung Quốc hàm ý gì khi ra sách trắng về chiến tranh thương mại?
Sách trắng về chiến tranh thương mại với Mỹ không phải cách Trung Quốc chơi trò đổ lỗi, mà là sự chuẩn bị cho Bắc Kinh để quay lại bàn đàm phán, các nhà phân tích về Trung Quốc nhận định.
Trong một bước đi bất thường, Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 2/6 công bố sách trắng để khẳng định quan điểm của Bắc Kinh về cuộc chiến thương mại với Washington. Sự chú ý tập trung vào phần Trung Quốc nói rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ của tiến trình đàm phán kéo dài nhiều tháng qua.
Một ngày sau, Mỹ nhắc lại quan điểm Trung Quốc đã đi lùi nhiều điểm mà hai bên đã thống nhất. Đại diện Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ nói rằng đòi hỏi của Washington về việc Bắc Kinh phải cam kết chi tiết và có thể thực thi trong vấn đề cải tổ thương mại và mở cửa thị trường không tạo nên “mối đe dọa đối với chủ quyền của Trung Quốc”. “Mỹ thất vọng khi Trung Quốc chọn ‘sách trắng’ và các tuyên bố công khai để chơi trò đổ lỗi, diễn giải sai bản chất và lịch sử các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước”, hai cơ quan của Mỹ tuyên bố.
Nhưng các nhà phân tích về Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có hàm ý khác.
Báo Hong Kong SCMP dẫn lời bà Mei Xinyun, một nhà nghiên cứu thân thiết với Bộ Thương mại Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc muốn phá băng với Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, vào cuối tháng này. Bà cho rằng đang có hy vọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đồng ý với nhau điều gì đó, “giống như thỏa thuận đình chiến mà họ thông báo bên lề thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires năm ngoái, nếu họ gặp nhau”. Bà Mei cho rằng sách trắng mà Trung Quốc vừa công bố có thể khởi động lại các cuộc đàm phán với Mỹ thông qua cách tuyên bố rõ ràng về giới hạn chịu đựng của Bắc Kinh và giảm nguy cơ đội đàm phán của hai nước tính toán sai.
Ông Wang Huiyao, người sáng lập và chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn phi chính phủ tại Bắc Kinh, cho rằng sách trắng không chỉ vì vấn đề thương mại, mà Trung Quốc còn muốn gửi thông điệp đến các nước khác, đặc biệt là các nước sẽ tham dự sự kiện ở Osaka. “Trung Quốc đang học cách bắt kịp Mỹ trong việc khẳng định rõ quan điểm của mình với cả thế giới”, ông Wang nói.
Đối tượng của sách trắng còn là dư luận trong nước Trung Quốc. Trong đó, Bắc Kinh nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng “các vấn đề chủ quyền” là điều kiện tiên quyết cốt lõi cho đàm phán trong tương lai. Các nhà phân tích cho rằng đây là nỗ lực nhằm đối phó với áp lực chính trị gia tăng trong nước.
“Lãnh đạo Trung Quốc không muốn tạo ấn tượng rằng Trung Quốc đang phải cúi đầu trước áp lực của Mỹ”, một chuyên gia về quan hệ quốc tế nói với SCMP. “Cách tập trung vào vấn đề chủ quyền là nhằm trấn an những lo lắng rằng Bắc Kinh đã hoặc sẽ đề xuất nhượng bộ Mỹ quá nhiều, và làm suy yếu nguyên tắc lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, chuyên gia Trung Quốc giấu tên nói.
Sách trắng không nêu rõ “các vấn đề chủ quyền” là gì, nhưng một nguồn tin nói rằng một trong những lo ngại lớn nhất là Washington khăng khăng đòi đưa “các cam kết có thể thực thi” vào thỏa thuận bằng văn bản giữa hai nước. Tại một hội thảo do chính phủ Trung Quốc tài trợ về quan hệ Mỹ - Trung diễn ra tại Bắc Kinh cuối tuần trước, một nhóm cựu quan chức Trung Quốc cáo buộc Mỹ dùng đàm phán thương mại để làm suy yếu an ninh quốc gia của Trung Quốc trong những vấn đề như Đài Loan và biển Đông. Nhưng họ không nói cụ thể.
Ông Gu Su, một nhà phân tích chính trị tại ĐH Nam Kinh, nói rằng ông thất vọng khi sách trắng không nói rõ “các vấn đề chủ quyền” là gì, và chúng bị ảnh hưởng bởi những đòi hỏi của Mỹ như thế nào.