Trung Quốc không mua, dưa hấu, thanh long rớt giá còn 6.000 đồng/kg
Do nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc không ổn định, nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam như dưa hấu, thanh long đã mất giá tới 50%, chỉ còn khoảng 6.000 đồng/kg.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa đưa ra những đánh giá mới nhất về thị trường nông, lâm, thủy sản. Trong đó, thông tin về mặt hàng trái cây gây nhiều chú ý.
Trong tháng 8, tỉnh Tiền Giang ghi nhận có 3 loại trái cây bị rớt giá nặng nề là dưa hấu, dừa xiêm và thanh long.
Các mặt hàng hiện đều có mức giá giảm khoảng 50% so với tháng trước. Cụ thể, dưa hấu chỉ ở mức hơn 6.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng giá còn 6.000-7.000 đồng/kg. Thậm chí, mặt hàng dừa xiêm còn giảm tới hơn 50% khi xuống mức giá 40.000 đồng/chục, so với mức giá 90.000 đồng/chục trước đó. Với các mức giá sau sụt giảm, nhà vườn không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Nguyên nhân giảm giá chính được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định là nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc không ổn định. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ vận chuyển qua lại cửa khẩu đã làm cho đầu ra của trái cây bấp bênh.
Xung quanh câu chuyện xuất khẩu trái cây, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định trong thời gian tới, thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang thị trường tỷ dân này có thể còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Ông Dương chia sẻ ngay từ tháng 5/2018, phía Trung Quốc bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc qua cả kênh chính thức lẫn các kênh khác như thông qua chủ hàng. Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói.
Hiện nay, với trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các yêu cầu về cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số. Trung Quốc chỉ thông qua mã số chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác.
“Tuy nhiên, khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt”, ông Dương nhấn mạnh.
Về xuất khẩu rau quả nói chung, theo số liệu cập nhật mới nhất, tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 2,53 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 70,5% thị phần, giá trị xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự báo, xuất khẩu hàng rau quả những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.
Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng nhiều thị trường tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe như Ủy ban châu Âu siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, nhiều thị trường ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm dịch thực phẩm, quy trình đóng gói và vận chuyển cũng sẽ là những yếu tố gây thêm bất lợi cho xuất khẩu trái cây của Việt Nam.