Trung Quốc là chủ nợ của 54 trong số 120 quốc gia đang phát triển
Theo Hãng tin Reuters, báo cáo của Viện Lowy (Úc) công bố ngày 26-5, vào năm 2025, các quốc gia thuộc nhóm nghèo và dễ tổn thương nhất thế giới sẽ phải trả khoản nợ lên đến 22 tỉ USD cho Trung Quốc.
Báo cáo cũng chỉ ra 54 trong số 120 quốc gia đang phát triển sẽ phải trả nợ cho Trung Quốc với tổng số tiền lớn hơn nợ phải trả cho tất cả thành viên thuộc nhóm Câu lạc bộ Paris gộp lại. Đây là các khoản vay được cấp cách đây một thập kỷ trong thời kỳ cao điểm của sáng kiến "Vành đai và con đường" (BRI).
Với sáng kiến BRI do Bắc Kinh khởi xướng vào năm 2013, Trung Quốc đã cho các nước vay hàng tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi, đồng thời tìm cách thúc đẩy thương mại và sức ảnh hưởng của mình.

Đoàn tàu điện nhiều toa Lane Xang đi qua biên giới Trung Quốc. Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất của Lào và sáu nước láng giềng có chung biên giới. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Chỉ trong hơn 10 năm, vị thế cho vay ròng của Trung Quốc đã phát triển đáng kể, từ khoảng 18 quốc gia đang phát triển vay tiền năm 2012, con số này đã tăng thành 60 quốc gia vào năm 2023.
Trong tổng số 35 tỉ USD nợ mà các nước đang phát triển phải trả cho Trung Quốc trong năm 2025, khoảng 22 tỉ USD (chiếm gần 63%), sẽ do 75 quốc gia nghèo nhất và dễ tổn thương nhất thanh toán. Điều đó có thể đe dọa đến ngân sách dành cho y tế, giáo dục, rủi ro bất ổn kinh tế và chính trị tại các quốc gia này.
"Từ nay đến hết thập kỷ này, Trung Quốc sẽ đóng vai trò là người thu nợ nhiều hơn là người cho vay đối với các nước đang phát triển".
(Ông Riley Duke - Tác giả báo cáo)

Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, và “Con đường Tơ lụa trên biển”. (Ảnh: GRI)
Theo các chuyên gia, Sáng kiến Vành đai và con đường - dự án được mệnh danh là “con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc - đã khiến các nước tham gia ngập trong nợ, bởi các khoản vay này thường có lãi suất cao hơn và thời hạn trả nợ ngắn hơn, so với khoản vay từ các tổ chức quốc tế khác như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), hay Câu lạc bộ Paris. Sáng kiến này đầu tư cho việc xây dựng các dự án hạ tầng trên khắp các quốc gia mà nó đi qua.
Trung Quốc thiết lập các khoản vay này giống với vay thương mại. Thay vì theo đuổi các mục tiêu phát triển chung, các điều khoản lại quan tâm tới điều kiện trả nợ, tính bảo mật cũng như mục tiêu của Bắc Kinh khi cấp vốn cho những dự án hạ tầng cụ thể.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), các quốc gia nợ Trung Quốc nhiều nhất chủ yếu nằm ở châu Phi. Ngoài ra, còn có một số quốc nước nằm ở Trung Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương...
Bắc Kinh từng phản bác những lời chỉ trích cho rằng các khoản vay liên quan đến BRI là "bẫy nợ", khẳng định Trung Quốc không chấp nhận điều này.
Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: "Trung Quốc hành động theo các quy tắc thị trường và luật quốc tế, đồng thời tôn trọng ý chí của các nước liên quan. Chúng tôi chưa bao giờ ép buộc bất kỳ bên nào vay tiền hoặc gây áp lực buộc quốc gia nào phải chấp nhận nợ. Chúng tôi không gắn bất kỳ điều kiện chính trị nào vào các thỏa thuận cho vay và không theo đuổi lợi ích chính trị riêng nào".
Đến nay, dù Trung Quốc đã giảm hoạt động cho vay toàn cầu, nước này vẫn tiếp tục tài trợ cho các nước có tầm quan trọng về chiến lược hay tài nguyên. Trong đó bao gồm các nước láng giềng châu Á như Pakistan, Kazakhstan hay những nước có nguồn khoáng sản quan trọng như Argentina, Brazil, CHDC Congo./.
Câu lạc bộ Paris (tiếng Anh: Paris Club, tiếng Pháp: Club de Paris), được thành lập vào năm 1956, là một diễn đàn không chính thức gồm 22 quốc gia có nền kinh tế lớn, mức độ tín nhiệm cao và tiềm lực tài chính mạnh, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay nợ tái thiết, nợ ân hạn hoặc hoãn - xóa nợ cho các nước đang mắc nợ khó trả.
Câu lạc bộ Paris đóng vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu nợ và hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển, góp phần thúc đẩy ổn định kinh tế toàn cầu./.