Trung Quốc lo khả năng Hàn Quốc gia nhập 'Bộ tứ
Trung Quốc đã nhiều lần hỏi xem Hàn Quốc có tham gia liên minh 'Bộ tứ' do Mỹ dẫn dắt hay không, cho thấy Bắc Kinh ngày càng lo ngại nguy cơ khối này mở rộng để đối phó với ảnh hưởng gia tăng của họ ở khu vực, các nguồn tin ngoại giao cho biết.
Những người trong giới ngoại giao nói rằng Seoul đã nhận được nhiều câu hỏi từ các quan chức Trung Quốc rằng liệu Hàn Quốc có định tham gia Đối thoại an ninh "Bộ tứ" hay không. Chính phủ Hàn Quốc luôn nói rằng họ chưa nhận được lời mời gia nhập khuôn khổ này.
Giới quan sát không loại trừ khả năng Hàn Quốc sẽ từ bỏ sự mập mờ chiến lược này để tham gia "Bộ tứ" và cho rằng nếu điều này xảy ra sẽ thách thức đáng kể an ninh của Trung Quốc ở Đông Á.
“Mỹ đang mời gọi Hàn Quốc và tìm cách hợp nhất các liên minh của Mỹ, đó là Nhật Bản và Hàn Quốc ở khu vực, để tạo thành tam giác liên minh. Nếu Hàn Quốc tham gia 'Bộ tứ', một NATO thu nhỏ sẽ hình thành ở Đông Bắc Á – điều chắc chắn sẽ trở thành thách thức nghiêm trọng đối với an ninh của Trung Quốc, ông Qian Yong - phó giáo sư công tác tại Viện Hàn Quốc thuộc ĐH Chiết Giang, nhận định.
Bi Yingda, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu bán đảo Triều Tiên thuộc ĐH Sơn Đông, cho rằng một liên minh chống Trung Quốc hình thành ở Đông Á sẽ gây áp ực lớn lên Trung Quốc và làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.
“Một liên minh đa phương chống Trung Quốc ở Đông Á sẽ làm gia tăng sự đối đầu ở khu vực. Sau đó, Bắc Kinh sẽ xích lại gần Nga và phối hợp với Triều Tiên trong vấn đề của bán đảo. Khi ngày đó đến, nó sẽ dễ dàng phát triển thành sự đối đầu giữa hai phe, nói cách khác là chiến tranh lạnh. Trong lịch sử, đó cũng là cách chiến tranh nóng bắt đầu”, ông Bi nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi "Bộ tứ" là NATO ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cho rằng nhóm này sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh ở khu vực. Bắc Kinh cũng cáo buộc Washington lập bè phái để kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Quan chức của các thành viên "Bộ tứ", gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, đều đã nói về khả năng kết nạp thành viên mới, cũng như mời các nước khác tham gia bàn luận về an ninh và kiểm soát đại dịch. Seoul đến nay vẫn từ chối chọn giữa Washington và Bắc Kinh để cố gắng cân bằng quan hệ đồng minh với Mỹ và giữ gìn quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Những năm gần đây chứng kiến quan hệ giữa Trung Quốc với các thành viên "Bộ tứ" xấu đi nghiêm trọng. Mỹ gia tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông, thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với hầu khắp vùng biển này.
Nhật Bản liên tục tố các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của họ ở quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, đồng thời bất đồng về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).
Quan hệ giữa Trung Quốc với Úc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vì hàng loạt vấn đề, từ đại dịch đến thương mại, nhân quyền và cáo buộc do thám. Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ vẫn chưa được giải quyết.
Các quốc gia châu Âu cũng đang tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong tháng này, Pháp chủ trì một đợt tập trận với "Bộ tứ" và đề ra kế hoạch chung với Ấn Độ và Úc để thiết lâp cơ chế hợp tác kiểu Bộ Tứ ở khu vực.
“Bộ Tứ đã tạo cho Mỹ và các đồng minh một khuôn khổ đa phương lý tưởng để áp chế Trung Quốc trong tương lai”, ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, đánh giá.
“Hướng mở rộng chính của 'Bộ tứ' sẽ là từ Anh và các quốc gia NATO khác. Khi không quốc gia Đông Nam Á nào tham gia nhóm này vì muốn tránh đối đầu Mỹ - Trung, họ cũng có dư địa để đóng một vai trò độc lập nào đó giữa hai bên”, GS Shi nói.
Tang Xiaoyang, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Thanh Hoa, cho rằng Trung Quốc lo lắng rằng "Bộ tứ" mở rộng sẽ tạo nên một vòng vây địa chính trị từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. “Các thành viên Ngũ Nhãn (như Anh, Canada và New Zealand) cũng có thể muốn tham gia”, GS Tang nhận định.