Trung Quốc lo ngại mối đe dọa từ buôn lậu ma túy khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan

Trước việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, giới phân tích Trung Quốc cho rằng nước này có thể đề xuất trợ giúp nông dân Afghanistan chuyển đổi sang các vụ mùa khác thay cho trồng thuốc phiện nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa của hoạt động buôn lậu ma túy đối với an ninh của Trung Quốc.

Afghanistan - trung tâm sản xuất ma túy toàn cầu

Theo nhiều ước tính khác nhau, việc buôn bán methamphetamine và các loại chất chiết xuất từ cây anh túc vẫn là nguồn thu nhập riêng lẻ lớn nhất của Taliban và có khả năng sắp tới sẽ tiếp tục như vậy nếu xuất hiện các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan này.

Cây thuốc phiện trồng ở Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Cây thuốc phiện trồng ở Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Trong quá khứ, một trong các tuyến đường chính để vận chuyển heroin từ Afghanistan vào Trung Quốc là thông qua ngả Pakistan và tỉnh Tân Cương nằm ở miền tây Trung Quốc.

Hồi tháng 6, Văn phòng Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc nói rằng Afghanistan chiếm tới khoảng 80% nguồn cung thuốc phiện và heroin toàn cầu.

Theo văn phòng này, Afghanistan thu được từ 1,2 đến 2,1 tỷ USD từ hoạt động tiêu thụ, sản xuất, và xuất khẩu thuốc phiện vào năm 2019.

Buôn bán ma túy mang lại nhiều lợi nhuận cho Taliban. Cũng vào tháng 6/2021, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết nhóm phiến quân Taliban đã thu được khoản thuế lên tới khoảng 460 triệu USD từ những người trồng thuốc phiện trong năm 2020.

Trung Quốc cảnh giác với lời hứa của Taliban

Wang Jinguo - một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Lan Châu (Trung Quốc), nói rằng Trung Quốc cần tập trung vào bảo đảm việc buôn bán ma túy không được hồi sinh sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung/Nam Á này.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Wang nói vào tháng 7 như sau: "Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, các cơ quan chống ma túy của Trung Quốc cần chú ý sát sao tới việc ngăn ngừa ma túy từ Afghanistan tuồn vào Trung Quốc thông qua tuyến phía bắc".

Kể từ khi tiến vào thủ đô Kabul và chiếm chính quyền ở Afghanistan vào giữa tháng 8, Taliban đã cam kết rằng chính phủ mới sẽ không đưa đất nước Trung/Nam Á này trở về tình trạng sản xuất ma túy.

Thế nhưng Zhu Yongbiao - một chuyên gia về các vấn đề Afghanistan thuộc Đại học Lan Châu, nói rằng Taliban phải vật lộn để đáp ứng được các cam kết của họ về việc dập tắt nạn buôn lậu ma túy ở đất nước này, đặc biệt là trong bối cảnh mất viện trợ quốc tế và có nguy cơ bị trừng phạt kinh tế.

Ông Zhu nhận định: "Việc kiểm soát ma túy gắn chặt với các lệnh trừng phạt do cộng đồng quốc tế áp đặt và việc đóng băng tài sản... Tôi không cho rằng sẽ giải quyết được vấn đề này dù chính phủ có cấm heroin. Nói cách khác, không thể xử lý gọn vấn đề này trong thời gian ngắn".

Afghanistan là một nền kinh tế tiền mặt và đồng nội tệ của họ - afghani, được giữ giá nhờ thường xuyên có những đợt chuyển USD từ nước ngoài vào ngân hàng trung ương Afghanistan, cứ sau vài tuần.

Ajmal Ahmady - từng đứng đầu ngân hàng trung ương Afghanistan và đã di tản khỏi nước này, cho biết: Các khoản tiền trên được lấy từ tầm 9-10 tỷ USD ngoại tệ và dự trữ vàng cũng như các tài sản thanh khoản như trái phiếu kho bạc Mỹ.

Mỹ đã đóng băng khoảng 9 tỷ USD tài sản thuộc về ngân hàng trung ương Afghanistan. Và Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tuần trước nói rằng Afghanistan sẽ không còn khả năng tiếp cận các nguồn của bên cho vay.

Theo các dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, các nguồn viện trợ chiếm tới 42,9% tổng sản phẩm quốc nội 19,8 tỷ USD của Afghanistan năm 2020.

An ninh và BRI của Trung Quốc có thể bị đe dọa trực tiếp

Trong một nghiên cứu khoa học được xuất bản vào tháng 5/2021, Giáo sư Luo Yi thuộc Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) cảnh báo rằng nếu buôn lậu ma túy ở Afghanistan không được ngăn chặn, an ninh của nước láng giềng trong đó có Trung Quốc sẽ bị thách thức. Theo Giáo sư Luo, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Vẫn lời bà Luo: "Theo nghĩa này, vấn đề buôn lậu ma túy ở Afghanistan liên quan trực tiếp đến các lợi ích quốc gia chính của Trung Quốc".

Trong khi đó, ông Zhu (Đại học Lan Châu) nói rằng có nguy cơ mối liên kết giữa ma túy và khủng bố sẽ được tăng cường: "Một mối nguy hiểm tiềm tàng là các lực lượng dính líu vào buôn bán ma túy có thể cấu kết với các lực lượng khủng bố cực đoan".

Yang Shu - cựu trưởng khoa Trung Á học tại Đại học Lan Châu, cho rằng không rõ liệu Taliban có cấm trồng cây anh túc hay không nhưng Trung Quốc cần đóng góp vào nỗ lực ngăn cản điều đó.

Yang đề xuất "Trung Quốc có thể giúp họ trồng các vụ mùa thay thế và có giá trị kinh tế cao, đồng thời giúp huấn luyện cho họ về công nghệ chống ma túy"./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: SCMP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trung-quoc-lo-ngai-moi-de-doa-tu-buon-lau-ma-tuy-khi-taliban-nam-quyen-o-afghanistan-885788.vov