Trung Quốc mất hợp đồng bán tàu ngầm cực lớn vì Đức không giao động cơ?
Trung Quốc có kế hoạch đóng tới 8 tàu ngầm diesel-điện thuộc dự án Hangor II, dựa trên nguyên mẫu Type 039B cho Hải quân Pakistan.
Theo hợp đồng, 4 chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến sẽ được chế tạo vào năm 2023, nhưng kế hoạch này đã không thể thực hiện. Hơn nữa phải đến gần đây tàu ngầm Hangor II đầu tiên của Hải quân Pakistan mới được hạ thủy tại thành phố Vũ Hán, tại xưởng đóng tàu Wuchang, và vấn đề nan giải nhất chính là trang bị động cơ thích hợp.
Thực tế là các tàu ngầm thuộc dự án Hangor II được thiết kế cho động cơ diesel MTU 396 của Đức, nhưng cuối cùng Berlin không đồng ý cấp giấy phép xuất khẩu.
Ấn phẩm Defense News cho biết thêm rằng tất cả các bên đã quyết định không bình luận về chủ đề động cơ nào có thể lắp đặt trên tàu ngầm Hangor II do Trung Quốc chế tạo cho Hải quân Pakistan.
Hiện nay cả Pakistan và Đức đều tránh trả lời câu hỏi về việc giấy phép xuất khẩu cho động cơ MTU 396 đã được thống nhất hay chưa, và Islamabad cũng không làm rõ liệu họ có đồng ý với đề nghị thay thế động cơ diesel của Đức bằng loại CHD620 của Trung Quốc hay không.
Theo thiết kế, các tàu ngầm Hangor II sẽ nhận được động cơ đẩy độc lập với không khí (động cơ AIP), và những con tàu như vậy sẽ trở thành công cụ răn đe đáng kể đối với Pakistan, khi có khả năng phóng tên lửa hành trình đối đất.
Tờ Defense News sau khi tham khảo ý kiến cựu thủy thủ tàu ngầm Hải quân Mỹ Aaron Amick, đã đi tới nhận định rằng động cơ diesel CHD620 của Trung Quốc thực chất là bản sao dựa trên loại MTU 396.
Tuy vậy động cơ này được lắp ráp từ những vật liệu có chất lượng kém hơn nhiều và yêu cầu thời gian sửa chữa rất nhanh, chỉ vài trăm giờ hoạt động.
Theo nhận xét, nếu Trung Quốc thực sự lắp những động cơ như vậy lên tàu ngầm Hangor II thì đó là một “thỏa thuận chưa tốt”.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã phải từ bỏ hợp đồng bán tàu ngầm S-26T cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan cũng vì lý do tương tự, và lịch sử nhiều khả năng sẽ lặp lại với chiếc Hangor II.
Theo Defense News