Trung Quốc mở rộng phạm vi thí điểm tiền kỹ thuật số
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương) mới đây tổ chức hội nghị về công tác thí điểm nghiên cứu và phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số với dự kiến mở rộng phạm vi ứng dụng loại tiền tệ này.
Theo đó, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi thí điểm theo lộ trình, bổ sung thêm các thành phố Thiên Tân, Trùng Khánh, Quảng Châu, Phúc Châu, Hạ Môn và 6 thành phố của tỉnh Chiết Giang sẽ đăng cai Đại hội thể thao châu Á 2022 vào danh sách thí điểm.
Các thành phố Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu đã ứng dụng nhân dân tệ kỹ thuật số tại các địa điểm thi đấu Thế vận hội mùa đông 2022, cũng sẽ được chuyển thành địa phương thí điểm, mở rộng phạm vi thí điểm ra 23 thành phố trong cả nước.
Thời gian tới, việc phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được triển khai theo hướng tăng cường thí điểm ứng dụng và xây dựng hệ sinh thái, tăng cường an toàn và xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro, hoàn thiện các quy định và tiêu chuẩn liên quan để củng cố nền tảng thí điểm nghiên cứu và phát triển loại tiền tệ này.
Từ cuối năm 2017, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu đưa vào thí điểm nghiên cứu và phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, lựa chọn các ngân hàng thương mại lớn, nhà cung ứng dịch vụ viễn thông và doanh nghiệp internet làm các đơn vị nghiên cứu và phát triển theo các tiêu chí quy mô vốn, thị phần và lực lượng kỹ thuật.
Đến cuối năm 2019, nhân dân tệ kỹ thuật số được thí điểm và thử nghiệm tại các thành phố Thâm Quyến, Tô Châu, Hùng An, Thành Đô; sau đó mở rộng thêm 6 thành phố khác vào tháng 11/2020. Phương thức ứng dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là liên kết với nền tảng internet, tìm tòi cách thức ứng dụng vào hoạt động tiêu dùng quy mô nhỏ, tần suất cao gắn liền với đời sống người dân.
Tính đến cuối năm 2021, đã có hơn 80,8 triệu địa điểm thí điểm ứng dụng nhân dân tệ kỹ thuật số, mở 261 triệu ví tiền cá nhân với số tiền giao dịch lên tới 87,565 tỷ nhân dân tệ, bao phủ toàn bộ các lĩnh vực thanh toán như giao thông đi lại, tiêu dùng, nộp thuế phí, ăn uống và lưu trú, dịch vụ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, dịch vụ công và các nền tảng mạng ở Trung Quốc.