Trung Quốc: Nghệ thuật điêu khắc bầu hồ lô hơn 1.600 năm lịch sử
Cách phát âm 'bầu hồ lô' trong tiếng Trung, giống như cách phát âm của 'may mắn và tài lộc,' phần nào giải thích được sức sống lâu bền của loại hình nghệ thuật này.
Với hơn 1.600 năm lịch sử, nghệ thuật điêu khắc bầu hồ lô đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc.
Cách phát âm “bầu hồ lô” trong tiếng Trung, giống như cách phát âm của “may mắn và tài lộc,” phần nào giải thích được sức sống lâu bền của loại hình nghệ thuật này.
Với sự năng động và sáng tạo, nhiều người trẻ tuổi đang đem lại sức sống mới cho nghệ thuật cổ xưa, giúp bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống.
Xuất thân trong một gia đình có gần 90 năm làm nghệ thuật điêu khắc bầu hồ lô tại thủ phủ Lan Châu của tỉnh Cam Túc, Ruan không chỉ chú trọng hoàn thiện kỹ thuật điêu khắc mà còn đặt mục tiêu đưa loại hình nghệ thuật độc đáo này đến gần hơn với giới trẻ thông qua hoạt động chia sẻ và tiếp thị.
Đối với Ruan - thế hệ thứ tư kế thừa nghệ thuật truyền thống của ông cha, mùi thơm của quả bầu hồ lô là hương vị của quê nhà.
Khi mới tốt nghiệp cao đẳng, cô đã bắt đầu học hỏi nghệ thuật điêu khắc trên bầu hồ lô từ mẹ cô.
Mỗi ngày, Ruan dành nhiều giờ thực hành thư pháp và hội họa mà cô cho rằng đây là quá trình rèn luyện cần thiết để trở thành một nhà điêu khắc tài ba.
Nhiều thợ thủ công lớn tuổi, như ông và mẹ của Ruan, thường mất nhiều thời gian để chạm khắc những họa tiết truyền thống và phức tạp như hoa mẫu đơn và cá chép, mang đến thông điệp cầu may.
Trong khi đó, Ruan lại ưa thích những yếu tố văn hóa đại chúng như các nhân vật hoạt hình và vẽ những hình này một cách đơn giản hóa.
Để khai thác tiềm năng của thị trường, Ruan cũng phát triển những sản phẩm sáng tạo, chẳng hạn như gương và vòng cổ bầu hồ lô, giúp nghề thủ công này tiếp cận thêm nhiều khách hàng hơn.
Doanh số bán các sản phẩm liên quan đến bầu hồ lô mỗi năm đem lại cho gia đình cô khoản thu nhập khoảng 300.000 nhân dân tệ (khoảng 44.585 USD).
Năm 2010, gia đình cô đã mở một gian trưng bày tác phẩm điêu khắc bầu hồ lô cũng như lịch sử của môn nghệ thuật này bên trong bảo tàng di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Lan Châu. Hiện Ruan đang làm hướng dẫn viên cho bảo tàng này.
Ruan thích trò chuyện với các du khách đến phòng triển lãm. Sau nhiều lần trò chuyện với họ, cô đã nghĩ ra ý tưởng mở khóa học cho mọi người được trải nghiệm với môn nghệ thuật truyền thống này vào năm 2016. Mỗi năm có khoảng 800 người đã tham dự khóa học.
Nhờ tác động của con gái, mẹ của Ruan hiện cũng sử dụng tính năng phát trực tiếp (live stream) trên mạng xã hội hằng ngày để chia sẻ về nghệ thuật điêu khắc bầu hồ lô, thu hút được nhiều người khắp cả nước theo dõi.
Ruan cho rằng: “Chia sẻ là kế thừa. Khi chúng ta chia sẻ kỹ năng và kiến thức với nhiều người hơn, văn hóa truyền thống sẽ tự nhiên được truyền bá rộng rãi hơn”./.