Trung Quốc ngừng tài trợ điện than nước ngoài có thể giải phóng 130 tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch

Việc Trung Quốc tuyên bố chấm dứt tài trợ cho các dự án điện than ở nước ngoài sẽ khiến mức tăng trưởng nhu cầu than toàn cầu giảm 1.100 triệu tấn, ngăn chặn 8.000 triệu tấn khí CO2 phát thải ra ngoài môi trường và giúp thế giới tiết kiệm được khoảng 130 tỷ USD.

Trung Quốc vẫn là quốc gia có công suất điện than lớn nhất thế giới và các dự án trong nước không nằm trong cam kết chấm dứt hỗ trợ điện than mới nhất của họ. (Ảnh: Internet).

Trung Quốc vẫn là quốc gia có công suất điện than lớn nhất thế giới và các dự án trong nước không nằm trong cam kết chấm dứt hỗ trợ điện than mới nhất của họ. (Ảnh: Internet).

Bản cập nhật mới nhất từ Chương trình theo dõi Tài chính công cho Điện than Toàn cầu của tổ chức Giám sát năng lượng Toàn cầu (GEM) cho biết, việc Trung Quốc cam kết chấm dứt tài trợ điện than ở nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến 44 nhà máy điện than với tổng công suất 42.220 MW, trải rộng trên 20 quốc gia ở Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ và Đông Âu.

Đáng chú ý, 44 nhà máy điện than nhận tài trợ của Trung Quốc chiếm hơn 40% trên tổng công suất 103.000 MW của các nhà máy điện than mới ở 20 quốc gia. Do đó, việc các nhà máy điện than bị hủy bỏ có thể tiết kiệm hơn 130 tỷ USD tổng chi phí cho toàn bộ vòng đời của các dự án, bao gồm 50 tỷ USD chi phí xây dựng và hơn 80 tỷ USD chi phí nhiên liệu, vận hành trong suốt thời gian hoạt động của các nhà máy.

Bên cạnh đó, việc 44 dự án ngừng hoạt động cũng sẽ khiến mức tăng trưởng nhu cầu than toàn cầu hàng năm giảm 30 triệu tấn, tức là giảm khoảng 1.100 triệu tấn than trong suốt thời gian hoạt động của các nhà máy. Điều này cũng sẽ góp phần ngăn chặn khoảng 8.000 triệu tấn CO2 phát thải ra ngoài môi trường trong thời gian tới.

Cam kết ngừng tài trợ cho điện than ở nước ngoài được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào thứ Ba tuần trước. Chỉ 3 ngày sau khi có tin này, Ngân hàng Trung Quốc đã đưa ra thông báo ngừng tài trợ cho các nhà máy điện than mới và các dự án khai thác than bên ngoài Trung Quốc kể từ ngày 1/10/2021.

Giám đốc Chương trình Điện than của GEM Christine Shearer cho biết: “Thông báo của Trung Quốc là hồi chuông báo tử của tài trợ công cho điện than ở nước ngoài. Nhiều dự án đề xuất nhà máy điện than sẽ bị hủy bỏ do thiếu các lựa chọn tài chính thay thế. Tin tốt là động thái của Trung Quốc sẽ giúp một số quốc gia không đổ hàng tỷ USD vào các nhà máy điện than, thứ sẽ sớm trở thành tài sản bị mắc kẹt, do chi phí năng lượng tái tạo giảm và động lực nhằm hạn chế phát thải carbon”.

Trong khi đó, Nhà nghiên cứu và Nhà phân tích của Chương trình theo dõi khai thác than của GEM Ryan Driskell Tate tiết lộ: “Trước ngày 21/9, các nhà sản xuất than trên thế giới vẫn đang lên kế hoạch khai thác hơn 390 mỏ than mới. Nhưng thông báo của Trung Quốc vừa làm hỏng kế hoạch đó. Ngành điện than sẽ cảm nhận được gáo nước lạnh này từ đầu đến chân”.

Tuy nhiên, Chương trình theo dõi Nhà máy Điện than của GEM cho biết, Trung Quốc vẫn là quốc gia có công suất điện than lớn nhất thế giới với gần 97.000MW đang được xây dựng và 163.000MW khác đang được lên kế hoạch xây dựng. Những dự án đề xuất trong nước này không nằm trong cam kết tài chính điện than của Trung Quốc và đó sẽ là vấn đề trọng tâm trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow vào tháng tới.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, các lộ trình để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C cần có một giai đoạn loại bỏ hầu như hoàn toàn điện than vào năm 2040.

Dịch Phong

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/trung-quoc-ngung-tai-tro-dien-than-nuoc-ngoai-co-the-giai-phong-130-ty-usd-dau-tu-vao-nang-luong-sach-316368.html