Trung Quốc ngừng tiết lộ tên, lịch sử đi lại của bệnh nhân Covid-19
Sau nhiều trường hợp người mắc Covid-19 bị xâm phạm quyền riêng tư, cơ quan y tế ở Thượng Hải, Bắc Kinh sẽ thay đổi cách tiết lộ thông tin về người bệnh.
Hai thành phố lớn ở quốc gia tỷ dân đã áp dụng quy tắc “chỉ nói về địa điểm, không đề cập đến người mắc Covid-19” khi tiết lộ lịch sử đi lại của bệnh nhân cho mục đích truy vết, theo CCTV.
Trước đây, các cơ quan y tế Trung Quốc thường công bố thông tin chi tiết của bệnh nhân, bao gồm họ, giới tính, tuổi, nghề nghiệp và địa chỉ, cũng như việc họ đã đi đâu và khi nào.
Những thông báo như vậy hữu ích cho việc truy vết song khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 bị xâm phạm quyền riêng tư, thậm chí đối mặt sự phân biệt đối xử và bắt nạt trực tuyến.
Tháng 12/2020, một nữ bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ở Thành Đô đã bị bắt nạt và slut-shaming (đổ lỗi dâm đãng) sau khi cơ quan y tế địa phương tiết lộ rằng cô từng đến 3 câu lạc bộ, quán bar, nhà hàng và tiệm làm móng trong vòng 14 ngày trước khi có kết quả dương tính.
Nữ bệnh nhân nhanh chóng đối mặt sự chỉ trích dữ dội, bị nhiều người cho là phát tán virus corona ra khắp thành phố.
Trong một vụ việc khác hồi đầu tháng 1, mọi người lại khơi mào cuộc chiến về giới sau khi lịch sử đi lại của cặp vợ chồng mắc Covid-19 ở Hà Bắc được công bố. Theo đó, trong khi người vợ cả ngày làm việc nhà và chăm con thì chồng cô thường xuyên lui tới các quán cà phê Internet ở địa phương.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người đã chia sẻ thông tin cá nhân của bệnh nhân và các tin đồn vô căn cứ trên mạng xã hội để cảnh báo người khác. Tuy nhiên, các hành vi này gây ra những lo ngại về quyền riêng tư và sự phân biệt đối xử người mắc bệnh.
Đầu tháng 1, một bác sĩ ở Hàng Châu bị bắt vì chia sẻ thông tin cá nhân của bệnh nhân Covid-19 trong một nhóm chat. Trước đó vào tháng 10/2020, một người đàn ông khác ở Thanh Đảo bị phạt tiền và giam giữ 15 ngày vì phóng đại mức độ nghiêm trọng tình hình dịch bệnh của thành phố.
Tháng 2 năm ngoái, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cho biết thông tin thu thập được cho mục đích phòng chống dịch bệnh không được sử dụng cho các hoạt động khác. Các đơn vị thu thập dữ liệu nên bảo vệ thông tin của người bệnh khỏi bị đánh cắp hoặc rò rỉ trực tuyến.