Trung Quốc: Người dân nông thôn mất niềm tin vào giáo dục
Người dân nông thôn Trung Quốc ngày càng hoài nghi đối với khả năng cải thiện cuộc sống thông qua giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.

Các cơ hội giáo dục không còn hấp dẫn tại nông thôn Trung Quốc.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức về tăng trưởng, người dân nông thôn ngày càng hoài nghi đối với khả năng cải thiện cuộc sống thông qua giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.
Xu hướng từ chối giáo dục không chỉ đặt ra câu hỏi về hiệu quả của hệ thống giáo dục hiện tại, mà còn cảnh báo nguy cơ khủng hoảng tài năng con người trong tương lai gần.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tâm lý “giáo dục là vô dụng” ngày càng lan rộng không xuất phát từ sự phủ nhận tri thức, mà từ cảm nhận rằng hình thức, nội dung và chi phí của nền giáo dục hiện nay không phù hợp với thực tế đời sống và nhu cầu của người dân nông thôn Trung Quốc.
Trong khi hệ thống giáo dục bắt buộc 9 năm vẫn duy trì, những gánh nặng về tài chính và áp lực cạnh tranh trong các kỳ thi tuyển vào trung học phổ thông và đại học đã khiến nhiều phụ huynh chùn bước.
Bà Huang Lifen - giảng viên tại Đại học Sư phạm Thiểm Tây, chia sẻ: “Quê tôi là một huyện thuộc tỉnh Hồ Bắc với dân số hơn 1,1 triệu người. Nhiều gia đình đã cho con nghỉ học sau khi tốt nghiệp THCS, bất chấp sự động viên của chính phủ và truyền thống xã hội lâu đời vốn xem giáo dục là con đường đổi đời”.
Nhiều nghiên cứu gần đây của các học giả Trung Quốc cho thấy niềm tin vào khả năng vươn lên nhờ giáo dục, từng là trụ cột trong tư tưởng phát triển của Trung Quốc sau thời kỳ cải cách mở cửa, đang dần suy giảm, đặc biệt trong tầng lớp dân cư có thu nhập thấp và sinh sống ở các khu vực kém phát triển.
Không ít sinh viên xuất thân từ gia đình nghèo khó, dù được nhận vào các trường đại học danh tiếng, vẫn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với bạn học đến từ những gia đình có điều kiện hơn, cả về cơ hội thực tập, phát triển kỹ năng lẫn kết nối xã hội.
Bà Huang cũng chỉ ra rằng các chương trình giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự hấp dẫn đối với người dân nông thôn. Nhiều phụ huynh cho rằng việc đầu tư cho con học nghề chỉ để trở thành lao động phổ thông không đáng với chi phí bỏ ra. Hơn nữa, tình trạng thất nghiệp trong nhóm thanh niên có trình độ đại học cũng góp phần làm gia tăng tâm lý hoài nghi này.
Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên không còn đi học trong độ tuổi 16 - 24 vào tháng 12/2024 là 15,7%. Trong khi đó, năm nay, Trung Quốc dự kiến có tới 12,22 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học.
Trước thực trạng đó, Chính phủ Trung Quốc cam kết tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao và khẳng định vai trò trung tâm của giáo dục trong chiến lược phát triển dài hạn.
Tuy nhiên, theo ông Zheng Linyi, nhà nghiên cứu tại Học viện Phát triển Nông thôn Trung Quốc thuộc Đại học Chiết Giang, có nhiều yếu tố phức tạp tác động đến tâm lý của người dân, bao gồm việc mở rộng tuyển sinh đại học, tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và sự thay đổi trong cơ cấu thị trường lao động.
Trước làn sóng lung lay niềm tin về giáo dục, một bài viết trên tờ Southern Metropolis News đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc tăng cường nguồn lực giáo dục chất lượng cao, cải thiện điều kiện dạy và học tại các vùng nông thôn, và hoàn thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi đó, học giả Xiong Bingqi cho rằng: “Không thể đồng nhất việc không tiếp tục học đại học với sự phủ nhận giá trị của giáo dục. Học sinh nông thôn có quyền lựa chọn con đường phù hợp nhất với năng lực và hoàn cảnh của mình, và điều này cũng cần được tôn trọng như trong các gia đình thành thị”.
Theo SCMP