Trung Quốc phải thay đổi chính sách biển Đông
Nếu Bắc Kinh tiếp tục thể hiện sự hung hăng, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể xuống dốc.
Kể từ đầu tháng 7-2019, tàu của Việt Nam (VN) và Trung Quốc (TQ) đã tham gia vào một cuộc đối đầu căng thẳng về tài nguyên dầu khí tự nhiên ở vùng biển ngoài khơi phía nam VN. Cuộc đối đầu gần quần đảo Trường Sa chỉ là một trong một loạt hành vi ngày càng hung hăng của TQ trên biển Đông. Trừ phi được xử lý cẩn thận, vụ việc này có thể trở nên nguy hiểm hơn những gì đã xảy ra trong năm 2014.
Trong vụ việc ở bãi Tư Chính, TQ đang cố gắng tái khẳng định yêu sách đường chín đoạn đã bị Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ trong một phán quyết năm 2016. Bãi Tư Chính cách Trường Sa khoảng 770 km, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của VN và không phải là một phần của Trường Sa. Tuy nhiên, TQ cố tình tuyên bố bãi Tư Chính thuộc về Trường Sa để biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp.
Cả hai bên đã rất kiềm chế trong việc xử lý các tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh tiếp tục thể hiện sự hung hăng, quan hệ song phương giữa VN và TQ có thể xuống dốc.
Vụ việc ở bãi Tư Chính lần này đánh dấu cuộc đối đầu tồi tệ nhất giữa hai quốc gia kể từ tháng 5-2014, khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia TQ hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hai Yang Shi You 981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
TQ xâm phạm vùng biển của VN
Căng thẳng mới nhất bắt đầu vào ngày 12-7, sáu tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển của cả hai nước, bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra áp sát nhau quanh bãi Tư Chính. Tại khu vực đó, VN có hàng chục giàn khoan dầu đang hoạt động, nơi được biết đến có trữ lượng dầu khí dồi dào. Tranh chấp nảy sinh do TQ tuyên bố bãi Tư Chính nằm trong yêu sách đường chín đoạn phi lý của họ.
Mấu chốt của vấn đề là Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn hoạt động khai thác dầu khí của bất kỳ quốc gia nào khác, ở bất cứ nơi nào trong đường chín đoạn, chiếm gần 80% diện tích biển Đông. Bắc Kinh đã liên tục bác bỏ biện pháp hòa giải hoặc can thiệp từ bên ngoài và chỉ muốn giải quyết các vấn đề bằng cách tiếp cận song phương trên lập trường của kẻ mạnh. Họ đã cố gắng áp chế các quốc gia láng giềng nhỏ hơn.
Những hành động mới nhất chứng minh TQ đã không rút ra được bài học nào mà dường như quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình bằng cách bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn. Trước hết, TQ cần hiểu một chiến lược như vậy cũng sẽ đi ngược lại lợi ích của họ vì có thể thúc đẩy các lực lượng tôn trọng các chuẩn mực toàn cầu liên kết lại để cùng nhau đối phó với TQ bằng một tiếng nói thống nhất.
Các mối quan tâm của Mỹ
Trước căng thẳng leo thang, Mỹ bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của TQ vào các hoạt động dầu khí của các quốc gia khác. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của TQ nhằm vào sự phát triển dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác đe dọa an ninh năng lượng khu vực và phá hoại một thị trường năng lượng tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Những hành động mới nhất chứng minh TQ đã không rút ra được bài học nào mà dường như quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình bằng cách bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng nhận xét: “Hành vi cưỡng ép của TQ đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”, lặp lại những bình luận trước đó của Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Đáp lại, Bắc Kinh đã không dành thời gian cho việc đối đáp lại những lời chỉ trích của Mỹ. Đồng thời Bắc Kinh cũng không coi trọng các báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) và Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng (C4ADS). Cụ thể, TQ đổ lỗi cho Mỹ chính là tác nhân gây căng thẳng bằng cách liên tục gửi tàu chiến áp sát các đảo do TQ kiểm soát và khẳng định chủ quyền của TQ trong khu vực là “không thể bị bác bỏ”.
Tuyên bố của Mỹ chỉ trích quan điểm của Bắc Kinh cho rằng có sự liên kết lợi ích thiết thân giữa Hà Nội và Washington trong cách Mỹ thách thức yêu sách biển mà cả hai đều coi là phi lý của TQ. Sự thật là trong khi VN có những căn cứ thuyết phục để bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ ở biển Đông thì Mỹ tìm cách kiềm chế tham vọng và yêu sách biển của TQ gây tổn hại đến sự ảnh hưởng của Washington trong khu vực.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng về vấn đề thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump, hành vi hung hăng của Bắc Kinh càng làm cho VN xa lánh. Đó dường như là một chiến lược “không đúng đắn” của TQ.
Nếu Bắc Kinh nghiêm túc tôn trọng mối quan hệ lâu dài với Hà Nội trong việc duy trì sự cân bằng chiến lược trong mối quan hệ giữa Mỹ và TQ, họ phải thay đổi chính sách ở biển Đông và không làm xáo trộn trạng thái cân bằng hiện có trong khu vực. Và tốt nhất là TQ phải rút ngay các tàu đang được triển khai ở vùng biển VN và không lặp lại hành động này trong tương lai.
Tham vọng của Trung Quốc
Chính vì luôn ngụy biện cho các hành vi hung hăng của mình nên lời nói và hành động của TQ luôn không đồng nhất và khó tin tưởng. Ý đồ của TQ luôn được minh chứng bằng các chương trình đầy tham vọng trên toàn cầu nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng, từ cái gọi là chuỗi ngọc trai ở Nam Á nhằm tạo ra các căn cứ quân sự cho đến tận Djibouti ở châu Phi hoặc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đó là lý do tại sao thượng nghị sĩ James Inhofe, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nhận định TQ có thể đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn có thể dẫn đến Thế chiến III.
_______________________________
TRẦN NGUYÊN lược dịch từ tạp chí Eurasia Review
(*) TS RAJARAM PANDA là cựu giáo sư ĐH Reitaku (Nhật Bản) và hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Quốc hội Ấn Độ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/trung-quoc-phai-thay-doi-chinh-sach-bien-dong-848807.html