Trung Quốc phát triển 'gạch Mặt Trăng' hướng tới sử dụng vật liệu tại chỗ

Trung Quốc đã sản xuất được 'gạch Mặt Trăng' mô phỏng để tiến hành thử nghiệm trên trạm vũ trụ, nhằm hướng tới sử dụng vật liệu tại chỗ trong xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng.

Những viên “gạch Mặt Trăng” đầu tiên đã được các nhà khoa học Trung Quốc phát triển thành công từ một dạng vật liệu có thành phần tương tự. Ông Chu Thành, Giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung cho biết, những viên gạch này có độ bền gấp hơn 3 lần so với gạch thông thường, tương đương mỗi cm2 diện tích có thể chịu được trọng lượng hơn 1 tấn. Ngoài ra, hình dáng của những viên gạch này cũng không giống các viên gạch thông thường, mà được thiết kế theo kiểu mộng gỗ, tức một viên lồi, một viên lõm.

“Thành phần của gạch mô phỏng thành phần của đất Mặt Trăng, sau đó được nung thành "gạch Mặt Trăng"mô phỏng. Độ bền của nó cao hơn nhiều so với gạch đỏ, gạch xanh mà chúng ta sử dụng trên Trái Đất. Hai viên gạch mà chúng ta thấy này có kết cấu ghép mộng. Kết cấu này có lợi cho chúng ta trong quá trình xây dựng và lắp ghép các căn cứ trên Mặt Trăng trong tương lai.” – giáo sư Chu Thành chia sẻ.

Hai viên gạch Mặt Trăng được giới thiệu trên CCTV. Ảnh: CCTV

Hai viên gạch Mặt Trăng được giới thiệu trên CCTV. Ảnh: CCTV

Kết cấu kiểu ghép mộng này được đánh giá là sẽ giúp tăng tính gắn kết giữa các viên gạch, giảm bớt trọng lượng, nâng cao khả năng thích ứng, nhằm ứng phó với các thách thức của môi trường khắc nghiệt trên Mặt Trăng, khi nhiệt độ có thể lên tới hơn 180 độ C vào ban ngày và xuống tới -190 độ C vào ban đêm.

Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), những viên “gạch Mặt Trăng” này sẽ được gửi đến Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc bằng tàu chở hàng Thiên Châu-8 để tiến hành các thử nghiệm lộ thiên bên ngoài không gian, nhằm xác minh khả năng suy giảm tính chất cơ học, hiệu quả giữ nhiệt và cách nhiệt, cũng như khả năng chịu được bức xạ vũ trụ trên Mặt Trăng. Trong đó, viên gạch đầu tiên dự kiến sẽ được đem về Trái Đất vào cuối năm 2025.

Giáo sư Chu Thành cho biết thêm, các viên gạch này sẽ được chia thành 3 mẫu. Toàn bộ thời gian thử nghiệm là 3 năm, nhưng mỗi năm sẽ có một mẫu được mang từ trạm vũ trụ trở lại Trái Đất để thực hiện các thí nghiệm liên quan. Mục tiêu cuối cùng là để tận dụng vật liệu tại chỗ khi xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng. “Không có chất phụ gia nào khác được thêm vào vật liệu trong quá trình đóng gạch. Do vậy, đây là quy trình đóng 100% tại chỗ.”

Ông nhấn mạnh, phương pháp này cho phép sử dụng các nguồn tài nguyên tại chỗ trên Mặt Trăng, như đất, năng lượng Mặt Trời, khoáng sản để xây nhà, mà không cần vận chuyển các kết cấu đúc sẵn từ Trái Đất, giúp giảm đáng kể chi phí. Đây cũng là phương pháp rất tiềm năng trong xây dựng các căn cứ trên Mặt Trăng trong tương lai.

Theo Quy hoạch phát triển khoa học vũ trụ quốc gia của Trung Quốc đến năm 2050 vừa công bố mới đây, Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế do nước này khởi xướng sẽ được xây dựng trong khoảng từ năm 2028-2035.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-phat-trien-gach-mat-trang-huong-toi-su-dung-vat-lieu-tai-cho-post1130099.vov