Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 14 đưa 3 phi hành gia vào vũ trụ
Lúc 10 giờ 44 phút ngày 5/6 (giờ địa phương), tên lửa Trường Chinh 2F đã được phóng thành công từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở miền bắc Trung Quốc, đưa tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 14 vào quỹ đạo.
Báo chí nhà nước Trung Quốc dẫn thông tin từ Văn phòng Công trình hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc cho biết, khoảng 577 giây sau khi rời bệ phóng, tàu vũ trụ Thần Châu 14 đã phân tách thành công với tên lửa Trường Chinh, để đi vào quỹ đạo đã xác định, phi hành đoàn ở trạng thái ổn định, nhiệm vụ phóng tàu vũ trụ đã thành công.
Đây là nhiệm vụ bay vào vũ trụ thứ 23, kể từ khi Trung Quốc triển khai dự án hàng không vũ trụ có người lái, cũng là nhiệm vụ bay có người lái thứ 3 trong giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ của nước này. Sau khi đi vào quỹ đạo đã xác định, tàu vũ trụ sẽ nhanh chóng kết hợp với tổ hợp trạm vũ vụ.
Các phi hành gia sẽ đi vào mô-đun lõi Thiên Hà, bắt đầu thời gian lưu trú trên quỹ đạo kéo dài 6 tháng, để thực hiện các nhiệm vụ: bảo trì trạm vũ trụ, thao tác cánh tay robot, bước ra ngoài không gian, chuyển giao các mô-đun và nhiều thí nghiệm công nghệ khoa học vũ trụ khác.
Theo đánh giá, hiện nay, tổ hợp trạm vũ trụ đã đi vào quỹ đạo kết nối ở tình trạng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kết nối với tàu vũ trụ Thần Châu 14, cũng như điều kiện lưu trú cho phi hành đoàn.
Ba nhà du hành vũ trụ Trần Đông, Lưu Dương và Thái Húc Triết đảm nhận nhiệm vụ bay vào vũ trụ lần này. Trong đó, Trần Đông là chỉ huy, từng bay vào vũ trụ cùng tàu Thần Châu 11; Lưu Dương từng bay vào vũ trụ cùng tàu Thần Châu 9; Thái Húc Triết lần đầu bay vào vũ trụ.
Theo kế hoạch, trong thời gian ở trên quỹ đạo, phi hành đoàn Thần Châu 14 sẽ đón hai mô-đun thí nghiệm của trạm vũ trụ, tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 5 và tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 15; sau đó bàn giao nhiệm vụ trên không gian với phi hành đoàn Thần Châu 15 và trở về trái đất vào tháng 12 năm nay.
Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng xong trạm vũ trụ trong năm nay. Sau đó, trạm vũ trụ của nước này sẽ bước vào giai đoạn ứng dụng và phát triển kéo dài hơn 10 năm, với dự kiến mỗi năm phóng 2 tàu vũ trụ có người lái và 2 tàu vũ trụ chở hàng, quản lý vận hành và bảo trì trạm vũ trụ, nhằm triển khai các thí nghiệm khoa học vũ trụ và công nghệ liên quan.