Trung Quốc - 'quả bom nổ chậm' trên thị trường lúa gạo thế giới
Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Theo số liệu thống kê và dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sau khi tăng vọt khối lượng gạo xuất từ gần 400.000 tấn năm 2016 lên gần 1,2 triệu tấn năm 2017 và gần 2,1 triệu tấn trong năm 2018, Trung Quốc sẽ đạt 3 triệu tấn trong năm nay và sẽ tiếp tục đẩy lên 3,5 triệu tấn trong năm tới.
Từ mức nhập khẩu bình quân gần 1,2 triệu tấn trong nửa đầu năm trong hầu như liên tục sáu năm 2012-2017 (bình quân cả năm nhập khẩu gần 2,1 triệu tấn), nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong cùng kỳ năm 2018 đã giảm rất mạnh xuống chỉ còn 890.000 tấn (cả năm cũng chỉ nhập khẩu 1,33 triệu tấn), và trong sáu tháng đầu năm nay xuống chỉ còn gần 290.000 tấn.
Hồi đầu năm nay, Hãng tin Reuters dự báo khối lượng gạo Trung Quốc nhập khẩu của Việt Nam cả năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 500.000-600.000 tấn. Vậy phía sau thực tế đó có những bí ẩn gì?
Ba điểm nhấn trong bức tranh lương thực Trung Quốc
Thứ nhất, ba loại lương thực chủ yếu, gồm lúa gạo, lúa mì và bắp, sau nhiều năm hầu như liên tục giảm và chạm đáy 72,6 triệu héc ta vào năm 2004, diện tích gieo trồng ba loại cây lương thực này của Trung Quốc đã nhích lên và đạt khoảng 100 triệu héc ta trong năm năm gần đây.
Thay vì nhập khẩu ròng khoảng 10% tổng khối lượng gạo nhập khẩu của thế giới trong những năm gần đây, Trung Quốc sẽ cân bằng cán cân thương mại gạo với phần còn lại của thế giới.
Thứ hai, với năng suất vượt trội so với bình quân chung của thế giới, tỷ trọng sản lượng ba loại lương thực này của Trung Quốc từ mức đáy với chỉ 19,9% sản lượng toàn cầu vào năm 2005, đã tăng mạnh từ đầu thập kỷ này và đến nay chiếm khoảng 22,8-24,5%. Nếu tính theo số tuyệt đối, từ năm 2014 đến nay sản lượng đã ngày càng vượt xa ngưỡng 500 triệu tấn.
Thứ ba, trong những bước thăng trầm đó của sản xuất lương thực Trung Quốc nói chung, lúa gạo thực sự là một điểm sáng. Với năng suất luôn luôn cao hơn gấp rưỡi so với bình quân chung của thế giới, nên sản lượng lúa gạo của Trung Quốc những năm gần đây luôn xung quanh ngưỡng 30% so với tổng sản lượng của thế giới.
Thành quả trên trước hết là từ những khoản đầu tư rất khổng lồ cho hệ thống thủy lợi. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, diện tích gieo trồng có tưới tiêu cho đến năm 1989 chỉ dưới ngưỡng 45 triệu héc ta, chiếm 47% tổng diện tích gieo trồng, nhưng từ đó đến nay có nhiều bước đột phá và đến năm 2018 đã gần chạm mức 70 triệu héc ta.
Mặc dù đầu tư vào hệ thống thủy lợi đã tạo ra tiền đề hết sức thuận lợi, nhưng chính sách hỗ trợ nông dân mới là tác nhân trực tiếp tạo ra nguồn động lực để sản xuất lương thực phát triển.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Chính phủ Trung Quốc năm 2005 có giá trị 2,56 tỉ đô la Mỹ, nhưng 10 năm sau đã tăng gấp 11,6 lần, lên 29,6 tỉ đô la, bao gồm các khoản chi trả trực tiếp, trợ cấp mua hạt giống, trợ cấp mua máy móc, trợ cấp mua nhiên liệu và phân bón.
Cũng theo báo cáo của USDA, giá sàn các loại lương thực thuộc chương trình này chỉ trong vòng bảy năm (2007-2014) đều đã được đồng loạt đẩy lên rất cao, từ 2-2,57 lần. Cụ thể, giá bắp đã tăng từ 184 đô la lên 368 đô la/tấn, giá gạo Indica tăng từ 189 đô la lên 441 đô la/tấn, giá gạo Japonica tăng từ 271 đô la lên 631 đô la/tấn...
Giá tăng phi mã như vậy đồng nghĩa với việc tiền chảy vào túi nông dân ngày càng nhiều hơn, khiến họ ngày càng gia tăng diện tích, đặc biệt là “ép”cây lúa gia tăng sản lượng nhiều hơn.
...Và “quả bom nổ chậm” đã được kích hoạt
Thế nhưng, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, chính những chính sách nói trên đã và đang tạo ra những hệ quả không mong muốn cho chính Trung Quốc và thị trường lúa gạo thế giới cũng bị tác động ngày càng rõ hơn.
Bằng chứng rõ ràng nhất chính là, theo số liệu thống kê của USDA vừa công bố, nếu như kho gạo dự trữ của Trung Quốc năm 2004 mới chỉ đạt gần 44 triệu tấn và chỉ chiếm 53,8% tổng lượng gạo dự trữ của thế giới, thì cuối năm 2018 đã tăng vọt lên 109 triệu tấn, chiếm 67,2% tổng lượng gạo dự trữ của thế giới, còn tính theo ngày tiêu dùng của Trung Quốc thì tăng từ 121 ngày lên 279 ngày.
Thậm chí, chỉ số này ở mặt hàng bắp còn tăng dữ dội hơn, từ 128 ngày lên 309 ngày, còn lúa mì tăng bùng nổ từ 151 ngày lên 396 ngày.
Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, trong khi sản xuất tăng mạnh thì tiêu dùng tăng theo không kịp.
Trước thực trạng này, cũng theo báo cáo của USDA, sau khi đã có những thay đổi bước đầu về chính sách đối với cây bắp, tại Trung Quốc đã có những tiếng nói về việc cần phải xem xét lại các chính sách hiện hành đối với cả lúa mì và lúa gạo.
Trong khi chính sách vĩ mô chưa thay đổi, dường như các nhà quản lý đã phải có những lựa chọn đáp ứng đòi hỏi khẩn cấp từ thực tế của kho gạo dự trữ khổng lồ này.
Trước hết, theo đánh giá của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), ngay từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, bình quân mỗi năm Trung Quốc đã phải chuyển 6,7 triệu tấn gạo sang làm thức ăn chăn nuôi và con số này đã tăng mạnh lên hơn 10 triệu tấn trong thập kỷ vừa qua, còn bốn năm gần đây đã đạt gần 13 triệu tấn.
Cho dù vậy, đây chắc chắn chỉ là giải pháp “cực chẳng đã”, bởi những “hạt vàng” với giá cao ngất ngưởng so với bắp cũng bị đem làm thức ăn chăn nuôi. Đến nay, dường như Trung Quốc đang bắt đầu chọn hai hướng đi khả dĩ hơn để cân bằng cán cân cung - cầu lúa gạo của mình.
Trong đó, thắt chặt nhập khẩu gạo sẽ mang lại hiệu quả nhanh chóng nhất. Bởi lẽ, tính bình quân trong vòng 15 năm trở lại đây, sản lượng gạo do Trung Quốc sản xuất dư thừa so với tiêu dùng chỉ gần 1,6 triệu tấn/năm, cho nên “tích tiểu thành đại” chỉ hơn 23 triệu tấn, trong khi tổng khối lượng gạo nhập khẩu do bắt đầu tăng vọt từ năm 2012 đến nay, theo như số liệu thống kê của USDA, đã đạt 31 triệu tấn.
Vấn đề đặt ra ở đây là, những tiêu chí mà Trung Quốc áp dụng để thắt chặt nhập khẩu gạo có khả năng vi phạm các quy định đã cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Vì vậy, theo hướng thứ hai chắc chắn sẽ căn cơ hơn, đó là Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Theo số liệu thống kê và dự báo vẫn của USDA, sau khi tăng vọt khối lượng gạo xuất khẩu từ gần 400.000 tấn năm 2016 lên gần 1,2 triệu tấn năm 2017 và gần 2,1 triệu tấn trong năm 2018, Trung Quốc sẽ đạt 3 triệu tấn trong năm nay và sẽ tiếp tục đẩy lên 3,5 triệu tấn trong năm tới.
Những điều nói trên có nghĩa là, thay vì nhập khẩu ròng khoảng 10% tổng khối lượng gạo nhập khẩu của thế giới trong những năm gần đây, Trung Quốc sẽ cân bằng cán cân thương mại gạo với phần còn lại của thế giới.
Hẳn nhiên, đây là điều đáng lo ngại đối với các quốc gia xuất khẩu gạo như chúng ta. Ngay cả với cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới trong nhiều thập kỷ là Thái Lan, một vị chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu gạo nước này hồi đầu năm nay cũng từng nhận định: Trung Quốc dường như sẽ tăng cường xuất khẩu gạo, đặc biệt là sang châu Phi và gạo cũ, giá rẻ của Trung Quốc đe dọa xuất khẩu của Thái Lan.
Nguyễn Đình Bích