Trung Quốc tập trận gây phức tạp tình hình khu vực
Trung Quốc gần đây thông báo tập trận trên Biển Đông trong suốt tháng 3 và cho đăng tải video về hoạt động tập trận hỗn hợp tại khu vực đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hoạt động này vi phạm chủ quyền của Việt Nam, gây phức tạp tình hình khu vực.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 11/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quan hệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông.
Ngày 3/3, truyền thông Trung Quốc đăng tải video về cuộc tập trận của lực lượng hải quân, lục quân, không quân và thủy quân lục chiến của nước này ở khu vực xung quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo truyền thông Trung Quốc, cuộc tập trận “nhằm phát triển các chiến thuật và biện pháp chiến tranh hỗn hợp”. CCTV chiếu video nhưng không nói rõ thời gian diễn ra cuộc diễn tập này.
Một số nước châu Âu gần đây thông báo kế hoạch điều tàu chiến tới Biển Đông để gửi đi thông điệp về tự do hàng hải. Về việc này, bà Hằng khẳng định, duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông cần phải đóng góp vào mục tiêu chung này.
Theo dõi các diễn biến khu vực
Về cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên của lãnh đạo các nước Bộ Tứ trong ngày 12/3, bà Hằng cho biết, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến tình hình tại khu vực, trong đó có chính sách đối ngoại của những nước lớn. Việt Nam mong các nước tiếp tục đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới, duy trì hợp tác và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình.
Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang nỗ lực củng cố hợp tác với các đồng minh để đối phó với sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về câu hỏi Mỹ sắp chuyển giao những tàu tuần tra cuối cùng cho Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao nói rằng, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ thời gian qua duy trì đà phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh- quốc phòng. Trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên, trong đó có Biên bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2011, Tuyên bố hợp tác quốc phòng năm 2015 và Kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018-2020, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có hợp tác an ninh hàng hải, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như quốc tế.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đưa ra Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời, trong đó nêu rõ những ưu tiên chiến lược và an ninh của ông Biden trong nhiệm kỳ 4 năm, dựa trên quan điểm của chính quyền Mỹ về bối cảnh an ninh và các mối đe dọa trong môi trường quốc tế.
Về bước đi này, bà Hằng nói rằng, đã và đang xuất hiện nhiều ý tưởng, sáng kiến hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do các nước trong và ngoài khu vực đề xuất. Quan điểm của Việt Nam là mong muốn và hoan nghênh các sáng kiến góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực; sáng kiến dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế, phù hợp với lợi ích các nước và vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Hướng dẫn nêu ra 5 thách thức chính đối với an ninh quốc gia của Mỹ, trong đó Trung Quốc xếp thứ ba. Ngoài NATO, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia đồng minh cốt lõi của Washington, tài liệu khẳng định, chính quyền Mỹ cam kết sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ, New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các nước ASEAN khác. Tài liệu khẳng định, Mỹ sẽ hiện diện mạnh mẽ nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Ngoại giao bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực và thương vong tiếp tục gia tăng tại Myanmar trong những ngày gần đây. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối thoại hòa bình để giải quyết bất đồng; mong muốn Myanmar sớm ổn định, vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình, ổn định ở khu vực. Trong tình hình phức tạp hiện nay ở Myanmar, hiện vẫn còn khoảng 600 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại quốc gia này.