Trung Quốc tham vọng thống trị năng lượng tái tạo thế giới

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã nuôi tham vọng xây dựng các cơ sở hạ tầng có thể giúp nước này trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo. Công suất lắp đặt hiện tại của Trung Quốc tương đương với một nửa sản lượng tất cả các nhà máy điện ở Mỹ vào cuối năm 2022.

Một cơ sở điện mặt trời ở Trung Quốc. Ảnh AFP

Một cơ sở điện mặt trời ở Trung Quốc. Ảnh AFP

Trung Quốc khởi công xây dựng nhà máy thủy điện trên sa mạc Gobi và hàng loạt dự án ở tỉnh Tây Bắc nhằm nâng cao độ tin cậy của mạng lưới điện.

Trung Quốc có một lợi thế lớn: địa hình. Các khu vực sa mạc, chẳng hạn như Sa mạc Gobi, một trong những sa mạc lớn nhất thế giới, với khoảng 250 ngày nắng mỗi năm, khiến nơi đây trở thành khu vực lý tưởng để lắp đặt các nhà máy năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và than đá, đây còn là nguồn cung 60% năng lượng mặt trời và 1/3 năng lượng gió của Trung Quốc.

Ở giai đoạn này, sản lượng điện ở tây bắc Trung Quốc đạt gần 600 gigawatt (GW). Năm 2020, Trung Quốc cam kết đạt 1.200 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030 và có thể sớm đạt được mục tiêu này trong 5 năm tới.

Nhu cầu chuyển sang năng lượng tái tạo

Với gần 10 tỷ tấn CO2 thải ra hàng năm, phần lớn là do xuất khẩu hàng tiêu dùng và sự phụ thuộc vào than đá, Trung Quốc vẫn là quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới.

Bất chấp điều này, Trung Quốc vẫn nuôi tham vọng thống trị việc sản xuất năng lượng tái tạo. Quốc gia này có thể đạt 1.000 GW năng lượng mặt trời vào cuối năm 2026, trong tổng số 11.000 GW cần thiết trên toàn cầu để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris vào năm 2030.

Ngược lại, việc duy trì một trang trại năng lượng mặt trời lớn trên sa mạc sẽ tương đối tốn kém do vị trí xa xôi, sự chênh lệch rõ rệt giữa nhiệt độ ban ngày và ban đêm cũng như mức độ bụi cao làm giảm hiệu suất của các tấm pin. Câu hỏi cần phải làm gì với những tấm pin mặt trời cũ khi chúng ngừng hoạt động cũng sẽ là vấn đề trong tương lai.

Cạnh tranh quốc tế

Cho đến nay, chưa có lưới điện tại khu vực nào tích hợp được tỷ trọng năng lượng tái tạo lớn như vậy trong khi vẫn duy trì được tỷ lệ sử dụng cao trong suốt cả năm.

Nguồn cung cấp năng lượng có thể trở nên quan trọng trong cuộc cạnh tranh sắp xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ để giành quyền thống trị. Chẳng hạn, chính quyền Biden, trong nỗ lực ngăn chặn sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), đã cấm bán chip AI tiên tiến cho Trung Quốc.

Trước đại dịch, công suất sản xuất điện của Trung Quốc gấp đôi Mỹ; ngày nay, con số ấy đã lớn gần gấp ba lần. Giá điện ở Mỹ đã tăng 20% trong khoảng thời gian từ 2021 đến 2023 do lạm phát, trong khi ở Trung Quốc vẫn ổn định. Ở một số khu vực giàu năng lượng tái tạo, các công ty Trung Quốc đang được hưởng mức giảm giá sâu hơn trước.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trung-quoc-tham-vong-thong-tri-nang-luong-tai-tao-the-gioi-706062.html