Trung Quốc thay đổi các mục tiêu khí hậu

Trung Quốc công bố các mục tiêu về khí hậu cho năm 2030 và 2035 – một bước ngoặt tiềm năng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc

Tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc

Trung Quốc, với tư cách là một bên ký kết Thỏa thuận chung Paris, dự kiến sẽ công bố Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho năm 2030 và năm 2035 vào năm 2025. Ông Giải Chấn Hoa - Đặc phái viên của Trung Quốc về khí hậu, đã đưa ra thông báo này tại COP28 ở Dubai. Việc này là minh chứng cho thấy Trung Quốc không ngừng theo đuổi cam kết có hành động nhằm chống biến đổi khí hậu. NDC là yếu tố cần thiết nhằm đo lường tiến bộ của các quốc gia trong việc giảm khí thải nhà kính và đáp ứng những mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris.

Mục tiêu hiện tại và tương lai

Hiện tại, Trung Quốc đặt mục tiêu có mức phát thải CO2 đạt đỉnh trước năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060. Những mục tiêu đầy tham vọng này sẽ được hỗ trợ bằng nhiều biện pháp cụ thể, chẳng hạn như làm giảm hơn 65% cường độ phát thải carbon vào năm 2030 so với mức năm 2005, hay tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu không hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên khoảng 25% vào năm 2030. Ngoài ra, Trung Quốc có kế hoạch nâng công suất lắp đặt năng lượng gió và mặt trời lên hơn 1.200 GW vào năm 2030.

Tại COP28, phái đoàn Trung Quốc bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trong những ngành năng lượng sạch. Có vẻ như Trung Quốc muốn duy trì vị thế thống trị trong những lĩnh vực quan trọng như sản phẩm linh kiện điện mặt trời, tuabin gió, xe điện và máy điện phân hydro. Đây là những thị trường rất quan trọng đối với Trung Quốc, trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt không ngừng tăng, đặc biệt đến từ những chính sách của Mỹ và Liên minh châu Âu nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ sản xuất trong nước và giảm lệ thuộc vào hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.

Thách thức và kỳ vọng quốc tế

Các nền kinh tế phát triển đang kêu gọi Trung Quốc xây dựng và tích hợp kế hoạch giảm sản xuất năng lượng từ than đá thô vào mục tiêu năm 2030 hoặc 2035. Đồng thời theo họ, Trung Quốc cần phải đóng góp nhiều hơn cho quỹ khí hậu và cải cách thị trường carbon của nước này thành một hệ thống chặt chẽ hơn với mức trần tuyệt đối và giá cao hơn. Những kỳ vọng này cho thấy, cánh quốc tế đang ngày một gây thêm áp lực đòi hỏi Trung Quốc có hành động cứng rắn hơn nhằm chống biến đổi khí hậu.

Có thể nói, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm cường độ phát thải khí CO2: Giảm 51% so với mức của năm 2005, như theo Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhấn mạnh. Ngoài ra, hơn một nửa tỷ trọng năng lượng của đất nước hiện đến từ những nguồn không hóa thạch. Tuy nhiên, công suất phát điện nhiệt than tăng gần gấp đôi trong một năm, đạt 9 GW trong quý 3. Trong khi đó, công suất điện mặt trời tăng 24,3 GW, công suất gió tăng 10,5 GW và thủy điện tăng 2,5 GW.

Nhìn chung, các mục tiêu khí hậu năm 2030 và 2035 của Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với quốc gia này mà còn đối với nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Đất nước này cần tìm được điểm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng và trách nhiệm môi trường. Cách Trung Quốc cân bằng những khía cạnh này sẽ có tác động đáng kể đến động lực khí hậu toàn cầu.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-quoc-thay-doi-cac-muc-tieu-khi-hau-701260.html