Trung Quốc thu gần 80 tỷ USD từ hệ thống định vị BeiDou, tăng cường thay thế GPS Mỹ
Hệ thống định vị BeiDou của Trung Quốc thu gần 80 tỷ USD năm 2024, mở rộng ứng dụng từ smartphone đến drone, hướng tới thay thế GPS toàn cầu.

Một tên lửa Trường Chinh-3B mang theo một cụm vệ tinh BeiDou phóng đi từ một địa điểm phóng ở phía tây nam Trung Quốc vào năm ngoái. Ảnh: Xinhua.
Hệ thống định vị vệ tinh BeiDou do Trung Quốc phát triển đã ghi nhận mức đóng góp kinh tế gần 80 tỷ USD trong năm 2024, khẳng định vị thế thống trị tại thị trường nội địa và mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu.
Theo báo cáo công bố ngày 11/5 của Hiệp hội GNSS và Dịch vụ dựa trên vị trí (LBS) Trung Quốc – một tổ chức bán chính thức trong ngành – hệ thống BeiDou đã đóng góp tổng cộng 575,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 79,9 tỷ USD) vào nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2024, tăng 7,39% so với năm trước.
BeiDou – tên gọi theo chòm sao Bắc Đẩu được người Trung Quốc cổ đại dùng để định hướng – hiện tương thích với 288 triệu điện thoại thông minh tại Trung Quốc, phần lớn là các sản phẩm nội địa như Huawei và Xiaomi. Hệ thống này thực hiện hơn 1.000 tỷ lượt định vị mỗi ngày, cho thấy vai trò không thể thiếu trong đời sống hiện đại.
Hai ứng dụng bản đồ hàng đầu Trung Quốc là Baidu Maps và Amap cũng xác nhận sử dụng BeiDou để hỗ trợ người dùng di chuyển tổng cộng 4 tỷ km mỗi ngày.
Thay thế GPS trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ
Ra đời hơn 30 năm trước, BeiDou từng là một lựa chọn thay thế GPS của Mỹ, nhưng giờ đây đã trở thành một phần trọng yếu trong chiến lược tự chủ công nghệ của Trung Quốc – đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.
Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ bản địa với lo ngại rằng các dịch vụ như GPS có thể bị Mỹ cắt truy cập nếu xảy ra khủng hoảng. Đồng thời, thị trường tiêu dùng rộng lớn của Trung Quốc đang biến BeiDou thành một mô hình kinh doanh khả thi.
Hệ thống hiện đã mở rộng khả năng tương thích từ điện thoại và thiết bị định vị trên xe sang các lĩnh vực mới như đồng hồ thông minh, drone, xe đạp điện, robot…theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã.
Giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài
BeiDou cũng đang nâng cấp công nghệ, giảm độ trễ định vị và mở rộng vùng phủ sóng trong nước. Trong khi đó, GPS đang đối mặt với nhiều rào cản tại Trung Quốc do các quan ngại về an ninh quốc gia.
“Một số thiết bị nội địa hiện không hỗ trợ GPS, hoặc chủ đích không sử dụng vì lý do bảo mật – đặc biệt với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hay đơn vị quân đội”, một giảng viên tại Đại học Công nghệ Chiết Giang chia sẻ. Ông cho biết, “iPhone và một số thiết bị nước ngoài khác vẫn hỗ trợ đồng thời GPS và BeiDou, nhưng hệ thống sẽ tự động chọn tín hiệu tốt hơn”.
Sự phát triển của BeiDou cũng thúc đẩy hàng loạt ngành công nghiệp liên quan như chip, thuật toán, xử lý dữ liệu, thiết bị đầu cuối, hạ tầng mặt đất, và công nghệ phóng–duy trì vệ tinh.
Tham vọng toàn cầu với thế hệ vệ tinh mới
Với năng lực đã tiệm cận hoặc vượt GPS trong nhiều lĩnh vực, Trung Quốc đang đẩy mạnh quảng bá BeiDou ra thị trường quốc tế. Hệ thống này đã mở rộng vùng phủ khắp thế giới, đồng thời nâng cao độ chính xác tại nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt ở Đông Nam Á và những nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Theo các báo cáo từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, từ nay đến năm 2035, BeiDou sẽ thay thế hoàn toàn chòm sao vệ tinh hiện tại bằng thế hệ mới, với khả năng định vị theo thời gian thực với độ chính xác đến từng centimet.
Các vệ tinh mới còn có thể cung cấp định vị chính xác trong khám phá đáy biển sâu, cũng như hỗ trợ chuyến bay ở độ cao vượt xa tầm bay của hàng không thương mại hiện nay, mở rộng đáng kể ứng dụng quân sự và dân sự trong tương lai.