Trung Quốc tiêu thụ tôm hùm của Việt Nam tăng gấp 9 lần, người nuôi vẫn lỗ nặng
Do phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều quốc gia, từ năm ngoái đến nay dù được thu mua đều đặn nhưng người nuôi tôm hùm vẫn có nguy cơ thua lỗ nặng vì giá tôm liên tục chạm đáy.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 1/2025 đạt trên 774 triệu USD, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào nhu cầu cao từ Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống như tôm hùm, cua, ngao, ốc, phục vụ cho phân khúc tiêu dùng cao cấp trong dịp Tết Nguyên đán.
Riêng mặt hàng tôm hùm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này đạt 70 triệu USD (tương đương gần 1.800 tỷ đồng), chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc bùng nổ từ năm 2024 và tiếp tục tăng cao trong tháng 1 năm nay. Tương tự, xuất khẩu cua cũng tăng đột biến gấp 18 lần, đạt 18,5 triệu USD.

Tôm hùm đang có mức giá được cho là thấp nhất trong ba năm qua.
Nhờ Trung Quốc gia tăng nhập khẩu mạnh mẽ, xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng trưởng 24%, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành thủy sản. Mặc dù vậy, do giá thu mua chạm đáy nên dù sản lượng bán sang thị trường tỷ dân này tăng mạnh vẫn khiến nhiều hộ nuôi tôm lâm vào cảnh thua lỗ.
Nhiều hộ nuôi tại Khánh Hòa cho hay, tôm hùm hiện được bán với giá 700.000 đồng một kg, mức thấp nhất trong ba năm qua (trong khi để có lãi, giá phải đạt từ 820.000 đồng một kg). Với mức này, mỗi tấn tôm, người nuôi lỗ hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, ông Nguyễn Thế Phong đại diện Công ty xuất nhập khẩu Vinsea – DN chuyên xuất khẩu tôm hùm tại thị trường Mỹ cũng xác nhận, kể từ sau dịch Covid-19, giá tôm hùm giảm đáng kể so với trước đó. Thời điểm hiện tại, giá mặt hàng này tiếp tục giảm hơn 100.000 đồng/kg so với trước Tết.
Lý giải về câu chuyện tôm hùm rớt giá, ông Phong cho rằng lý do lớn nhất là nguồn cung vượt quá cầu. Sau những ngày lễ tết, nhu cầu tiêu thụ giảm nên giá tôm hùm giảm cũng là dễ hiểu. Ngoài ra, với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, thì tôm hùm Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều quốc gia.
“Chúng ta cần có sự kiểm soát để chủ động hơn trong câu chuyện cung – cầu, mở rộng thị trường. Trước đây, tôm hùm Việt Nam có lợi thế riêng, nhưng hiện nguồn cung từ Australia, Canada, Mỹ ngày càng dồi dào với giá cạnh tranh hơn. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu tôm hùm Australia, thị phần của Việt Nam tiếp tục bị thu hẹp” – ông Phong nói.
Không chỉ vậy, các nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Malaysia,... hiện cũng đang xuất khẩu tôm hùm bông - dòng sản phẩm tương tự hàng Việt với giá hấp dẫn hơn. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm soát chất lượng nhập khẩu, khiến hàng Việt liên tục bị cạnh tranh, giảm giá và bị động trong việc tìm đầu ra.
Theo ông Phong, về lâu dài các doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp để cạnh tranh về giá và chất lượng nhằm đẩy mạnh thương hiệu tôm hùm Việt. Ngoài ra, thay vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp có thể tìm hướng tiêu thụ bằng nhiều cách, đó là phát triển thị trường nội địa, xuất khẩu chính ngạch đi các quốc gia khác dưới sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Mong muốn tìm hướng đi mới, để phần nào khắc phục tình trạng trên, ông Đoàn Văn Quang, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu (Phú Yên), cho biết đơn vị của ông đang làm thủ tục đưa tôm hùm xanh xuất chính ngạch sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông kỳ vọng trong thời gian tới, sức tiêu thụ tôm hùm ở thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ khả quan hơn, giúp người nông dân có thể duy trì nghề nuôi tôm hùm lâu dài.