Trung Quốc trợ giá cho các đồ gia dụng và thiết bị điện tử để phục hồi kinh tế

Hôm 9/1, CNN đưa tin chính quyền Trung Quốc đã thêm nhiều thiết bị gia dụng hơn vào danh sách các sản phẩm có thể sử dụng trong chương trình đổi hàng tiêu dùng và sẽ trợ cấp cho các mặt hàng gia dụng bổ sung này trong năm nay nhằm nỗ lực phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong lĩnh vực gia dụng đang trì trệ.

Theo một tài liệu do cơ quan lập kế hoạch nhà nước hàng đầu và Bộ tài chính nước này ban hành vào ngày 8/1, lò vi sóng, máy lọc nước, máy rửa chén và nồi cơm điện sẽ được đưa vào chương trình đổi hàng gia dụng trong năm nay. Điện thoại di động, máy tính bảng, đồng hồ thông minh và vòng đeo tay dưới 6.000 nhân dân tệ (818 USD) có thể được trợ cấp 15%.

Tuy nhiên, tuyên bố không nêu rõ tổng chi phí của các ưu đãi. Theo một quan chức của Bộ Tài chính tại một cuộc họp báo vào ngày 8/1, cho đến nay, chính phủ đã phân bổ 81 tỷ nhân dân tệ cho các giao dịch đổi hàng tiêu dùng để hỗ trợ tiêu dùng vào năm 2025.

Các biện pháp mới là một phần của kế hoạch rộng hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2025 trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng đã làm xói mòn tài sản của người tiêu dùng và gây tổn hại đến chi tiêu của hộ gia đình.

Ngành tiêu dùng đang gặp khó khăn của Trung Quốc là một “điểm nghẽn” đặc biệt đối với nền kinh tế khi các nhà phân tích và cố vấn chính sách kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để thúc đẩy chi tiêu của hộ gia đình quay trở lại.

"Chúng tôi dự kiến tổng số tiền trợ cấp sẽ tăng gấp đôi lên 300 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025. Điều này đánh dấu một sự thay đổi chính sách theo hướng tiêu dùng nhiều hơn" - Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit cho hay.

Trung Quốc thêm các mặt hàng gia dụng phổ biến vào chính sách hỗ trợ giá để kích cầu tiêu dùng

Trung Quốc thêm các mặt hàng gia dụng phổ biến vào chính sách hỗ trợ giá để kích cầu tiêu dùng

Tuy nhiên, các khoản trợ cấp sẽ có mức độ hạn chế hơn cho điện thoại và máy tính bảng, ở mức dưới 500 nhân dân tệ cho mỗi mặt hàng. Điều này cho thấy Bắc Kinh không có ý định trợ cấp cho người giàu chi tiêu nhiều.

Năm ngoái, Trung Quốc đã phân bổ khoảng 150 tỷ nhân dân tệ từ đợt phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ để trợ cấp cho việc thay thế các thiết bị gia dụng, ô tô, xe đạp và các hàng hóa cũ khác. Các quan chức cho biết chiến dịch đó "đã đạt được những hiệu ứng tích cực".

Chiến dịch đã mang lại 920 tỷ nhân dân tệ doanh số bán ô tô và 240 tỷ nhân dân tệ doanh số bán thiết bị gia dụng vào năm 2024, theo Li Gang - một quan chức của Bộ Thương mại thông tin.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tăng mạnh nguồn tài trợ từ trái phiếu kho bạc siêu dài hạn vào năm 2025 để thúc đẩy nâng cấp thiết bị và chương trình đổi hàng tiêu dùng. Năm ngoái, Trung Quốc đã dành tổng cộng 300 tỷ nhân dân tệ cho các sáng kiến này.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết sẽ có những hành động "mạnh mẽ" thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng nhu cầu trong nước "theo mọi hướng" trong năm nay.

Tuần trước, Reuters đưa tin rằng hàng triệu công chức trên khắp Trung Quốc đã được tăng lương, như một phần trong nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng.

"Chúng tôi hy vọng rằng chính sách hỗ trợ nhiều hơn cũng như hiệu ứng cơ sở hỗ trợ nhiều hơn sẽ giúp tăng trưởng doanh số bán lẻ phục hồi vào năm 2025 so với năm 2024" - Lynn Song, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ING nói.

Chuyên gia này nhấn mạnh: "Sự phục hồi tiêu dùng của hộ gia đình sẽ phụ thuộc vào sự ổn định giá tài sản cũng như sự tự tin được cải thiện vào triển vọng việc làm".

Theo tài liệu chính sách, Trung Quốc cũng sẽ tăng quỹ từ đợt phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn để hỗ trợ nâng cấp thiết bị trong các lĩnh vực chính.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-tro-cap-cho-lo-vi-song-noi-com-dien-de-phuc-hoi-tang-truong-kinh-te_172634.html