Trung Quốc trong hệ sinh thái số toàn cầu
Sáng kiến Con đường tơ lụa kỹ thuật số nhằm mục đích phát triển một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu với Trung Quốc là trung tâm, tập trung vào thương mại điện tử, tài chính, số hóa công nghiệp, điện toán lượng tử và AI. Các mô hình nguồn mở giá rẻ như DeepSeek đang thúc đẩy nhận thức rằng công nghệ tiên tiến sẽ không chỉ dành riêng cho các nước phát triển. Sự chuyển dịch sang mạng lưới kỹ thuật số giá rẻ của Trung Quốc có thể định hình lại tương lai kỹ thuật số của các nền kinh tế đang phát triển và ảnh hưởng đến chính sách công nghệ trên toàn thế giới.
Một con đường tơ lụa khác
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) rộng lớn của Trung Quốc đã trở thành viên ngọc quý trong chính sách ngoại giao của nước này những năm gần đây. Dự án đầy tham vọng này nhằm mục đích liên kết gần 150 quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á, châu Âu và xa hơn nữa thông qua mạng lưới đường sắt, đường bộ và cảng hiện đại.

Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR)
Nhưng Trung Quốc còn một “con đường tơ lụa khác” quan trọng nhưng ít được biết đến hơn được gọi là Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) một dự án chuyển đổi kỹ thuật số có tiềm năng định hình lại đáng kể ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Trong khi phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò là nền tảng, DSR vượt ra ngoài phạm vi xây dựng và bao gồm sự hợp tác rộng hơn để thúc đẩy khả năng và kết nối kỹ thuật số. Điều này bao gồm khuyến khích sự hợp tác trong thương mại điện tử, tài chính, số hóa công nghiệp và đổi mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử. Thông qua các quan hệ đối tác và đổi mới đa diện, Trung Quốc tìm cách tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số tích hợp, với chính họ là tâm điểm.
Ảnh hưởng của DSR được nhìn thấy ở Rwanda, nơi các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Huawei cung cấp kết nối internet và hỗ trợ giáo dục. Thông qua DSR, mục tiêu của Bắc Kinh là giúp Rwanda trở thành một trong những đối tác chính của Trung Quốc trong việc hợp tác với châu Phi. Các công ty thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc đã đưa ra các kế hoạch mở rộng tương tự trên khắp các quốc gia thành viên DSR, khuyến khích các đối tác bằng lời hứa tiếp cận mạng lưới thương mại kỹ thuật số của Trung Quốc.
DeepSeek - bước ngoặt của Con đường tơ lụa số
Đương nhiên, AI là quân bài chủ của Con đường tơ lụa kỹ thuật số. Phần cứng kỹ thuật số như tháp 5G là rất quan trọng, nhưng AI cung cấp bộ não để khai thác hoàn toàn kiến trúc kỹ thuật số của Trung Quốc trên khắp các biên giới. Các thuật toán tiên tiến sẽ đóng vai trò là phần mềm vận hành trao quyền cho sự phát triển và chuyển đổi kinh tế dựa trên công nghệ. Với AI mạnh mẽ, Trung Quốc có thể thúc đẩy ảnh hưởng kỹ thuật số ngày càng tăng của mình trên khắp các châu lục và tối đa hóa tầm nhìn của mình về một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu tích hợp trải dài khắp Âu Á, châu Phi và xa hơn nữa.

Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR)
Sự trỗi dậy nhanh chóng của DeepSeek có thể là một bước ngoặt cho DSR. Công ty khởi nghiệp Trung Quốc trước đây ít người biết đến này đã tăng vọt từ ẩn danh lên gây chấn động toàn cầu vào đầu năm 2025, đóng vai trò là một giải pháp thay thế tiềm năng cho các mô hình AI của phương Tây. Các mô hình của DeepSeek vượt trội trong các nhiệm vụ chuyên biệt như lập luận toán học và mã hóa, đồng thời tiết kiệm chi phí hơn đáng kể do bản chất nguồn mở, kiến trúc hiệu quả và chi phí vận hành thấp hơn. Khả năng và giá cả phải chăng của DeepSeek có thể mang tính chuyển đổi đối với các quốc gia không có khả năng tự phát triển các công cụ AI đáng tin cậy.
Mặc dù Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong triển khai 5G và thương mại điện tử, DeepSeek một lần nữa khẳng định sự thống trị của nước này trong cuộc đua AI. Các biện pháp của một số đối thủ cạnh tranh nhằm cản trở sự tiến bộ về AI của Trung Quốc, bao gồm hạn chế xuất khẩu, vô hình trung lại đưa đến một tác dụng ngược: Sự phát triển của các mô hình nội địa Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào các hạn chế về phần cứng.
Cho dù DeepSeek có duy trì được đà phát triển hiện tại hay không, hệ sinh thái nhằm phát triển AI giá rẻ sẽ tiếp tục tạo ra các giải pháp mới. Với sự xuất hiện của những công ty công nghệ nội địa khác của Trung Quốc như Manus từ công ty khởi nghiệp Monica hay Kimi từ Moonshot Labs, sự phát triển và lan rộng của AI giá rẻ do Trung Quốc sản xuất dường như là xu thế không thể tránh khỏi.
Định hình lại tương lai kỹ thuật số
Quan trọng hơn, các mô hình tiết kiệm chi phí và tinh thần nguồn mở của DeepSeek đang thúc đẩy tầm nhìn về việc áp dụng AI hàng loạt trên toàn cầu, phá vỡ quan niệm sai lầm rằng công nghệ tiên tiến vẫn chỉ dành riêng cho các nước phát triển. Bắc Kinh cũng đã bắt đầu kết hợp DeepSeek vào các công nghệ của chính phủ, sau đó có thể lan tỏa đến các thành viên DSR khác và trao quyền cho các ứng cử viên AI mới vươn lên từ vùng ngoại vi.
Nền tảng này có thể cho phép triển khai và tối ưu hóa nhanh hơn toàn bộ các công nghệ của sáng kiến DSR - từ mạng viễn thông và nền tảng thương mại điện tử đến các ứng dụng công nghệ tài chính và hệ thống thành phố thông minh - với lợi ích lan tỏa trên khắp năng lực số của các quốc gia đối tác.
Khi các khuôn khổ kỹ thuật số của các quốc gia này phát triển tiên tiến hơn, họ sẽ có vị thế tốt hơn để tận dụng các công nghệ như hệ thống giao thông thông minh và dịch vụ chính phủ kỹ thuật số. Khả năng AI là chìa khóa cho phép DSR nâng cao mức độ sẵn sàng về công nghệ của các quốc gia đối tác trên mọi phương diện khi họ chuyển từ quyền truy cập kỹ thuật số cơ bản sang các xã hội thực sự thông minh.
Nếu triển khai thành công, cả Trung Quốc và các quốc gia đối tác sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ động lực này. Với khả năng thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và phổ biến các chuẩn mực AI trên toàn DSR, Trung Quốc cũng có thể khẳng định vị thế lãnh đạo công nghệ toàn cầu của mình. Điều này có thể báo hiệu sự khởi đầu của các quốc gia đang hướng vào quỹ đạo xung quanh các gã khổng lồ kỹ thuật số của Trung Quốc như Huawei, Alibaba và Tencent.
Sự chuyển dịch của các nước sang công nghệ Trung Quốc cũng có thể định hình lại khuôn khổ kỹ thuật số của các nền kinh tế đang phát triển, đưa AI của Trung Quốc trở thành chuẩn mực toàn cầu khi ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn mạng kỹ thuật số của Trung Quốc thay vì các giải pháp thay thế đắt đỏ khác.
Lịch sử tiến bộ luôn có sự giằng co giữa việc chào đón sự thay đổi hay duy trì nguyên trạng. Người ta có thể phải hy sinh sự đổi mới để duy trì trật tự cũ. Nhưng khi trật tự cũ không thể được duy trì, việc hy sinh trật tự để theo đuổi sự đổi mới là tất yếu. Khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Trung Quốc lan rộng, các chuẩn mực công nghệ của Trung Quốc được phổ biến có thể sẽ phá vỡ mãi mãi sự cân bằng trước đây giữa sự đổi mới và chủ nghĩa dân tộc công nghệ.