Trung Quốc tung đòn phản pháo vấn đề Hong Kong,Tân Cương
Các đại sứ của Trung Quốc trên khắp thế giới đang thể hiện lập trường cứng rắn nhằm phản đối hành động của các quốc gia bên ngoài đối với vấn đề Hong Kong và Tân Cương.
Một nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng “một số quốc gia đang lạm dụng vấn đề quyền con người ở Hong Kong để thu về lợi ích kinh tế”.
Nhà ngoại giao này đã cáo buộc Mỹ khởi đầu sự hỗn loạn bằng cách khơi mào các cuộc "Cách mạng màu" - một thuật ngữ dành cho các phong trào nổi dậy lật đổ chính quyền xuất hiện vào đầu những năm 2000.
Dù không đề cập trực tiếp Mỹ, các bình luận của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc tại một diễn đàn nhân quyền ở Bắc Kinh hôm 11-12 đã nhắm đến quốc gia này, sau khi đạo luật về nhân quyền ở Hong Kong được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành và dự luật về Tân Cương chờ bút phê của chủ nhân Nhà Trắng.
“Một số quốc gia đang thực hiện các cuộc "Cách mạng màu" khắp nơi để buộc thay đổi chính quyền dưới danh nghĩa đấu tranh đòi nhân quyền” - ông Mã nói.
“Việc này đã dẫn đến những cuộc xung đột và mất ổn định, những cuộc khủng hoảng nhân đạo liên tiếp nhau. Đây thực sự là sự hỗn loạn đáng nguy hại đối với thế giới” - quan chức Trung Quốc nói thêm.
Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ đứng sau nhiều cuộc biểu tình hàng loạt ở Hong Kong. Bắc Kinh cũng vô cùng tức giận trước hai đạo luật mới của Mỹ. Họ cho rằng chúng đang can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ.
Đầu tháng này, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật lên án các vụ giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Dự luật đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chính phủ Trung Quốc bị cho là chịu trách nhiệm với các hành vi vi phạm quyền con người ở Tân Cương.
Cũng vào cuối tháng 11, Tổng thống Trump đã ký ban hành Đạo luật Nhân quyền ở Hong Kong.
Trung Quốc đáp trả lại bằng cách nhanh chóng cấm các chuyến thăm Hong Kong của tàu chiến và máy bay Mỹ.
Ông Mã cũng gián tiếp phê bình các chính sách thương mại của Mỹ, cho rằng những hành vi này "không chỉ cản trở sự phát triển của nền kinh tế thế giới mà còn vi phạm nhân quyền của người dân các quốc gia bị ảnh hưởng”.
Trung Quốc khẳng định mỗi quốc gia phải lựa chọn con đường của riêng mình khi nói đến quyền con người.
Cần loại bỏ các khái niệm về tự do ngôn luận, dân chủ tự do và dân quyền của các nước phương Tây để tăng cường sự quản lý cứng rắn, nhằm giúp tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống người dân.
Ông David Zweig, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết Hong Kong đã trở thành một vấn đề liên quan đến đối ngoại, không còn là một vấn đề trong nước nữa.
“Thế giới đang dành sự chú ý đặc biệt đến Hong Kong, và cách Trung Quốc xử lý khiến vấn đề trở nên tệ hại hơn trong mắt các nước phương Tây. Vì vậy, tôi đoán rằng Bộ Ngoại giao đã quyết định họ cần phải ra tay xử lý” - ông Zweig nói.
Chiến dịch chống ảnh hưởng từ nước ngoài của Trung Quốc
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch PR cứng rắn để chống lại sự chỉ trích quốc tế ngày càng tăng đối với việc xử lý tình trạng bất ổn ở Hong Kong của Trung Quốc.
Tình trạng bất ổn chính trị ở Hong Kong hiện đã kéo dài sang tháng thứ bảy.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì là người dẫn đầu chiến dịch chống sự can thiệp của nước ngoài sau khi Úc, Canada và châu Âu đã cùng Mỹ lên tiếng ủng hộ hành động phe biểu tình.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming cũng vô cùng bận rộn kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra vào đầu tháng 6.
Ngoài việc đưa ra các bài phát biểu và bài viết cho các tờ báo trên khắp thế giới, cho đến nay ông Liu đã tổ chức ba cuộc họp báo đặc biệt về Hong Kong và thực hiện hơn chục cuộc phỏng vấn từ các phương tiện truyền thông của Anh, Mỹ và Trung Quốc.
Thông điệp của ông Liu luôn rõ ràng và nhất quán, ông lên án sự can thiệp của các quốc gia khác, cũng như lên án mức độ bạo lực do người biểu tình gây ra.
Hàng động của ông Liu đã được ủng hộ và theo sau bởi các đặc phái viên Trung Quốc ở các nước châu Âu khác như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Phần Lan và Hà Lan, những người cũng đã lên tiếng nhiều lần về vấn đề này.
Các đại sứ Trung Quốc ở Canada và Singapore cũng như những người khác ở Trung Đông, châu Phi và Châu Mỹ Latinh đều đã đưa ra lời tuyên bố với truyền thông địa phương, ủng hộ chính quyền Bắc Kinh về vấn nạn biểu tình.
Bộ Ngoại giao và các nhà ngoại giao Trung Quốc trong những tháng gần đây đã đẩy mạnh việc sử dụng các trang mạng xã hội như Twitter, cử các đặc phái viên đến Mỹ, Anh, Iran, Ả Rập Saudi, Nam Phi và Áo để kêu gọi tham gia chiến dịch này.
Ông Carl Minzner, giáo sư luật tại Trường Luật Fordham ở New York, cho rằng thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra đều dựa trên những gì Bắc Kinh muốn thấy, thay vì phản ánh một đánh giá khách quan hơn về thực tế hoặc lợi ích quốc gia lâu dài của Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là một dấu hiệu tích cực, thay vì phải thận trọng, họ đã được tự do hơn để nói lên ý kiến của mình trên mạng xã hội truyền thông.