Trung Quốc và các nước khác có thể phản ứng thế nào với đòn thuế quan mới của Mỹ?

Quyết định tăng thuế của Mỹ có thể kéo theo các động thái tương tự từ châu Âu trong bối cảnh phương Tây đang lo ngại về tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc...

Ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị tăng thuế gấp 4 lần lên 100% - Ảnh: Getty Images

Ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị tăng thuế gấp 4 lần lên 100% - Ảnh: Getty Images

Mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố tăng mạnh thuế với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Cụ thể, từ năm nay, Mỹ sẽ tăng gấp 4 lần thuế với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, từ 25% lên 100%. Các sản phẩm khác cũng bị tăng thuế gồm tấm pin năng lượng mặt trời, chất bán dẫn, pin xe điện, sản phẩm nhôm thép, tăng lên 25-50%.

CHÂU ÂU CÓ THỂ "NỐI GÓT" MỸ

Theo các chuyên gia quốc tế, quyết định trên của Mỹ có thể kéo theo các động thái tương tự từ châu Âu trong bối cảnh phương Tây đang lo ngại về tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc.

“Thay vì gây ra tác động đáng kể tức thì bởi giá trị nhập khẩu các mặt hàng Trung Quốc bị tăng thuế vào Mỹ không lớn, động thái của Washington có thể mang tác động thiên về tâm lý hơn. Đó là nguy cơ các quốc gia khác sẽ làm theo”, nhà nghiên cứu cấp cao Chen Fengying của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), nhận định với tờ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Ông Biden tăng mạnh thuế quan lên 18 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thuế ô tô điện tăng 4 lần

Đồng quan điểm, giáo sư quan hệ quốc tế Wang Yiwei của Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng quyết định tăng thuế không chỉ giúp ông Biden giành thêm phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, mà còn gửi đi một thông điệp tới châu Âu – nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây mới có chuyên công du – rằng “nên làm theo chúng tôi”.

Trên thực tế, ngành công nghiệp thúc đẩy năng lượng sạch của Trung Quốc thời gian qua vấp phải chỉ trích của nhiều quốc gia, đặc biệt là ở phương Tây, về tình trạng dư thừa công suất và khiến thị trường thế giới ngập trong hàng giá rẻ nhờ sự trợ cấp của chính phủ. Về phía Trung Quốc, nước này liên tục phủ nhận các cáo buộc này và nói rằng phương Tây đang xem đây là cái cớ để theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Theo các chuyên gia, đòn thuế quan mới của Mỹ có thể đánh dấu sự khởi đầu chiến lược dài hạn nhằm kìm hãm ngành công nghiệp năng lượng mới của Trung Quốc, bắt đầu bằng thuế quan với xe điện và sau đó là các sản phẩm mới khác. Theo kế hoạch, từ năm 2026, Mỹ sẽ áp thuế với than tự nhiên và nam châm vĩnh cửu từ Trung Quốc.

“Dù hiện Trung Quốc xuất khẩu không nhiều sản phẩm năng lượng mới vào Mỹ, nhưng lượng xuất khẩu ra thị trường toàn cầu khá lớn”, ông Zang Chengwei, nhà nghiên cứu thương mại quốc tế tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (IWEP) thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chỉ ra. “Trung Quốc đang được hưởng lợi thế chi phí trong các lĩnh vực này lớn hơn so với Mỹ và châu Âu. Do đó, nếu Washington không tìm cách kìm hãm sớm, Trung Quốc có thể sẽ chiếm một thị phần đáng kể tại thị trường Mỹ trong tương lai”.

BẮC KINH KHÔNG CÓ NHIỀU LỰA CHỌN ĐỂ "TRẢ ĐŨA"

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 15/5 sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Pakistan ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, nói rằng các biện pháp hạn chế của Mỹ – bao gồm kế hoạch tăng thuế mới nhất – là “hành động bắt nạt điển hình nhất trong thế giới ngày nay”.

“Ở thời điểm quan trọng với sự phục hồi kinh tế toàn cầu như hiện nay, cộng đồng quốc tế nên cảnh báo Mỹ không nên gây thêm các rắc rối mới cho thế giới”, ông Vương Nghị nói và chỉ trích hành động của Mỹ mang tính bảo hộ và đi ngược chủ nghĩa đa phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp báo ngày 15/5 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp báo ngày 15/5 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trên thực tế, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp thuế quan của Mỹ.

“Trong bối cảnh các biện pháp thuế quan trước đây chưa thể giải quyết được những lo ngại về hoạt động cạnh tranh thiếu công bằng của Trung Quốc, không rõ việc tiếp tục các biện pháp đó và tăng thêm thuế có mang lại thêm hiệu quả không”, ông Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung - tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho 270 doanh nghiệp Mỹ kinh doanh ở Trung Quốc - nói trong một phát biểu ngày 14/5.

Ông Allen cũng cho rằng đòn thuế mới của Mỹ có thể dẫn tới hành động trả đũa từ Bắc Kinh, từ đó khiến doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh ở Trung Quốc đối mặt thêm nhiều bất lợi so với các đối thủ nước ngoài.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn để phản ứng lại động thái của Mỹ.

“Bắc Kinh có thể tăng thuế với hàng Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc, nhưng nếu đó là hàng công nghệ cao, thì việc tăng thuế có thể ảnh hưởng tới nỗ lực phát triển công nghệ của nước này. Còn nếu là hàng công nghệ thấp, như hàng hóa dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, thì việc tăng thuế đơn giản sẽ khiến người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang các mặt hàng tương tự từ quốc gia khác”, ông Donald Low, giáo sư tại Viện Chính sách công thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, nhận xét.

“Giả sử, Bắc Kinh có thể tăng trợ cấp với các ngành bị Mỹ tăng thuế, nhưng với thực tế là các ngành này đã đang được trợ cấp, nếu việc tăng trợ cấp không chỉ gây tốn kém mà còn khiến các quốc gia khác nối gót Mỹ tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc”, ông Low phân tích thêm.

Hoài Thu

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-va-cac-nuoc-khac-co-the-phan-ung-the-nao-voi-don-thue-quan-moi-cua-my.htm