Trung Quốc và Nhật Bản thực hiện các biện pháp can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ
Đà tăng giá trở lại của đồng đô la Mỹ đang đẩy các đồng tiền châu Á xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng, đồng thời khiến các nhà chức trách Trung Quốc và Nhật Bản phải tăng cường bảo vệ đồng nội tệ đang suy yếu.
Hôm thứ Tư (6/9), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thiết lập biên độ giao dịch giữa đồng nhân dân tệ với đồng đô la ở mức cao bất ngờ, trong khi Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo sắc bén nhất trước sự sụt giảm của đồng yên, nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ trên thị trường.
Hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đã được hưởng lợi từ đồng nội tệ yếu hơn, điều này đã thúc đẩy xuất khẩu của cả hai nước. Đồng nhân dân tệ đã giảm 5,6% so với đồng đô la trong năm nay, trong khi đồng yên giảm 11% do đồng bạc xanh được đẩy lên cao hơn nhờ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ. Tuy nhiên, việc đồng nội tệ mất giá quá mạnh cũng mang lại những tác động tiêu cực cho nền kinh tế các quốc gia này. Do đó, các nhà hoạch định chính sách phải tìm cách ngăn chặn đà giảm.
Trong khi Nhật Bản đã ngừng sử dụng các công cụ tích cực hơn để hỗ trợ đồng tiền yên, Trung Quốc đã tìm cách củng cố đồng nhân dân tệ bằng cách yêu cầu các ngân hàng quốc doanh bán đô la, đồng thời thắt chặt thanh khoản ở nước ngoài để hạn chế vị thế bán khống ngắn hạn đồng nhân dân tệ.
Ngoài ra, động thái của PBOC tập trung vào biên độ giao dịch của tiền tệ, điểm giữ được ngân hàng trung ương ấn định vào mỗi buổi sáng. Đồng tiền chỉ được phép giao dịch 2% theo một trong hai hướng từ điểm đó.
Các nhà phân tích cho biết, động thái này phản ánh mối lo ngại và thận trọng của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc về khả năng tháo chạy của dòng vốn nếu đồng tiền mất giá quá nhiều và quá nhanh.
Khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu chính phủ Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ đã ngày càng mở rộng trong những tuần gần đây, điều này dẫn tới nguy cơ thúc đẩy dòng vốn chảy ra khỏi thị trường nợ nội địa của Trung Quốc.
Ken Cheung, chiến lược gia ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho cho biết: “Trung Quốc rất quan tâm đến sự ổn định ngoại hối hiện nay, đặc biệt là sau dòng vốn chảy ra khỏi thị trường chứng khoán vào tháng 8”.
“Nếu PBOC có thể duy trì sự ổn định ngoại hối, họ sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ, điều này khá quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế thực sự lúc này”, ông cho biết.
Hôm thứ Tư (6/9), Masato Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản cho biết về sự sụt giảm của đồng yên: “Nếu những động thái này tiếp tục, chính phủ sẽ phản ứng thích hợp mà không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào”.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản với Mỹ thậm chí còn lớn hơn so với Trung Quốc do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì lãi suất cực thấp.
Các biện pháp bảo vệ đồng nội tệ tương tự cũng tồn tại ở những thị trường khác ở châu Á.
Dự trữ ngoại hối của Đài Loan (Trung Quốc) trong tháng 8 giảm lần đầu tiên sau gần một năm do cơ quan tiền tệ thực hiện các biện pháp can thiệp vào thị trường.
Tại Thái Lan, ngân hàng trung ương nước này đã cảnh báo rằng, những biến động nhanh chóng của đồng baht sẽ thúc đẩy các biện pháp can thiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn sự hoài nghi về việc liệu các biện pháp này có thể thay đổi kỳ vọng thị trường hay không khi Fed không bớt diều hâu hơn hay sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn.
Alvin Tan, người đứng đầu chiến lược tiền tệ thị trường mới nổi tại RBC Capital Markets cho biết: “Ý nghĩa trước mắt của việc đồng đô la Mỹ tăng vọt là nó sẽ ngăn cản hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á nới lỏng chính sách tiền tệ vì lo ngại đồng tiền suy yếu trầm trọng hơn”.