Trung Quốc vẫn là 'ẩn số' của nền kinh tế Việt Nam

Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), mặc dù quốc gia này đã mở cửa và nối lại các hoạt động giao thương song Việt Nam vẫn nên thận trọng thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng.

Cơ hội từ sự phục hồi của Trung Quốc

TS Phạm Sỹ Thành cho rằng, với các mức tăng trưởng kinh tế không được như kỳ vọng của Mỹ hay EU thì hiện nay dư luận đang nhìn sang Trung Quốc khi nước này mở cửa (sau một thời gian dài lockdown do dịch Covid-19) như là một “điểm sáng” để hi vọng.

“Tất nhiên, Trung Quốc với mức đóng góp từ 33-34% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu thì những kỳ vọng trên có thể hiểu được. Bởi Trung Quốc không chỉ là quốc gia đóng góp vào tăng trưởng GDP chung toàn cầu lớn nhất mà mức độ lan tỏa còn được đánh giá là lớn nhất trong năm nay, tạo ra nhiều niềm tin hơn với các nền kinh tế có sự liên kết với Trung Quốc”, TS Thành nhận xét.

Theo TS Phạm Sỹ Thành, khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế thì có 3 cái yếu tố tích cực và 5 yếu tố rủi ro tác động đến kinh tế Việt Nam.

Yếu tố thứ nhất là cơ hội nâng cao tổng giá trị thương mại 2 nước. Đơn cử như năm ngoái, tuy Trung Quốc thực hiện lockdown nhưng kim ngạch thương mại 2 chiều vẫn lên tới hơn 160 tỷ USD. Do đó, năm nay khi kinh tế Trung Quốc mở cửa thì có thêm cơ sở để kỳ vọng vào quy mô thương mại 2 chiều sẽ tăng lên cũng như kết nối cơ sở hạ tầng, logistics cũng như những lĩnh vực khác.

Yếu tố thứ 2 là cơ hội giúp gia tăng về độ an toàn cho lộ trình tăng trưởng. Bởi tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ có tác động lan tỏa đến khu vực ASEAN (trong đó có Việt Nam) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Cuối cùng là tăng cơ hội hợp tác kinh tế bao gồm nhiều lĩnh vực như về dòng vốn đầu tư, về du lịch… Kinh tế Trung Quốc đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ dựa vào tiêu dùng trong nước cùng với việc nâng cao các tiêu chuẩn về hàng nhập khẩu. Điều này cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện cơ cấu cũng như chất lượng sản phẩm.

Vẫn còn rất nhiều thách thức

Tuy nhiên, theo TS Phạm Sỹ Thành nhận xét, 3 cơ hội tích cực nêu trên, hiện nay phần lớn vẫn nằm ở dạng tiềm năng. Thay vào đó, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với 5 vấn đề rủi ro, cần phải hết sức lưu ý.

Dù đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, song năm ngoái tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không đạt như kỳ vọng. Ảnh minh họa

Dù đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, song năm ngoái tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không đạt như kỳ vọng. Ảnh minh họa

Rủi ro tiên là đang xuất hiện tâm lý lạc quan thái quá về động thái mở cửa cũng như đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến những đánh giá và dự báo sai lệch.

Sự tích cực và lạc quan về kinh tế Trung Quốc cần thận trọng bởi các nhà phân tích bên ngoài cũng như chính người Việt lại tỏ ra lạc quan hơn nhiều so với chính phủ Trung Quốc. Thật ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra từ 5,3-5,5% GDP trong năm nay là rất áp lực. Bởi năm ngoái, GDP Trung Quốc chỉ tăng 2,8%, thấp nhiều so với mục tiêu nước này đề ra là 5,5%.

"Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng mà Trung Quốc đặt ra trong năm nay phải rất thận trọng. Có 2 lý do để thận trọng. Thứ nhất, đó là họ có một thủ tướng chưa từng kinh qua chức vụ phó thủ tướng nào. Thứ 2, Trung Quốc hiện nay ưu tiên là về an ninh và các vấn đề cạnh tranh chiến lược nhiều hơn chứ không phải là ưu tiên phát triển kinh tế”, TS Thành bình luận.

Rủi ro thứ 2 là những con số thống kê liên quan đến kinh tế của Trung Quốc chưa thực sự đáng tin cậy. TS Thành nhận xét: “Nói về con số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể thấy quý I đang là lạc quan nhưng khi nhìn sang quý II chúng ta sẽ thấy không nên quá tin. Ở Trung Quốc, tôi cho rằng hiện nay yếu tố chính trị quan trọng hơn là yếu tố kinh tế và những con số. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế TQ đặt ra là 5,5%, nhưng kết quả là cả năm chỉ tăng có 2,8%, rõ ràng đây là yếu tố chính trị".

Rủi ro thứ 3 là Trung Quốc hiện nay không khuyến khích dòng tiền trong nước chảy ra nước ngoài. “Phần lớn sự phục hồi và tăng trưởng của Trung Quốc là dựa vào tiêu dùng nội địa. Sau một thời gian lockdown và căng thẳng với Mỹ không thể đảo ngược thì Trung Quốc hiểu rằng họ cần củng cố thị trường nội địa. Chính phủ Trung Quốc hiện nay khuyến khích người dân du lịch và tiêu dùng ở trong nước và họ không khuyến khích dòng tiền chảy ra bên ngoài”, TS Phạm Sỹ Thành cho biết.

Yếu tố rủi ro thứ 4 là rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường. Theo TS Phạm Sỹ Thành, mô hình kinh tế Việt Nam và cũng như đa số các nước ASEAN hiện nay đều là nhập khẩu (đầu vào sản xuất) rất nhiều từ Trung Quốc và xuất khẩu (đầu ra) sang Mỹ, EU và các nước khác. “Nếu một trong các yếu tố cấu thành chuỗi sản xuất kia bị xảy ra vấn đề gì thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị chững lại”, TS Thành nhìn nhận.

Yếu tố rủi ro cuối cùng là sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc sẽ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đơn cử như với Mỹ, khi Việt Nam hay nhiều nước xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ sẽ bị truy nguồn gốc xuất xứ, đánh giá tỷ lệ bao nhiêu % gia công. Đây cũng là rủi ro chung đối với các nước có hàng hóa nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc.

“Do đó, tôi cho rằng kinh tế Trung Quốc có mở cửa trong năm nay và tăng trưởng như thế nào đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn phải dựa vào tinh thần tự lực cánh sinh là chính, thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự tác động tích cực sẽ đến từ thị trường tỷ dân này”, TS Phạm Sỹ Thành đánh giá.

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/trung-quoc-van-la-an-so-cua-nen-kinh-te-viet-nam-post104478.html