Trung Quốc vẫn nắm 'chìa khóa' iPhone dù Apple tăng cường sản xuất ra bên ngoài?

Việc chuyển dịch sang Ấn Độ là hoàn toàn có thật để đối phó thuế quan, nhưng Apple sẽ không muốn xảy ra sự cố với các iPhone 'bom tấn' của mình.

Apple đang nỗ lực để sản xuất nhiều iPhone hơn tại Ấn Độ, với mục tiêu trong vài năm tới sẽ lắp ráp phần lớn các thiết bị dành cho thị trường Mỹ ngay tại đây.

Mẫu iPhone 17 Pro. Ảnh: PhoneArena

Mẫu iPhone 17 Pro. Ảnh: PhoneArena

Đây là một sự thay đổi lớn, được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại phức tạp và nguy cơ áp thuế cao đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Theo nguồn tin của Financial Times, trước cú sốc 700 tỷ USD vốn hóa bị “thổi bay” sau các thông báo thuế quan, Apple vội vã nhập khẩu tất cả iPhone sản xuất tại Ấn Độ sang Mỹ để né thuế. Những năm gần đây, Apple dần mở rộng công suất tại Ấn Độ với các nhà thầu như Tata Electronics và Foxconn, dù vẫn lắp ráp hầu hết iPhone ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, để việc để mở hộp một chiếc iPhone màn hình gập tiên tiến hoặc một mẫu iPhone Pro thiết kế đột phá có dấu "Made in India", có lẽ mọi thứ không diễn ra sớm như vậy.

Việc chuyển dịch sang Ấn Độ là hoàn toàn có thật. Apple, dưới sức ép từ những thay đổi địa chính trị và nguy cơ thuế quan, muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc lâu dài vào Trung Quốc. Các báo cáo gần đây, bao gồm từ Mark Gurman của Bloomberg, cho biết Apple đang hợp tác với các đối tác như Foxconn và Tata Group để tăng cường năng lực sản xuất tại Ấn Độ một cách đáng kể.

Nỗ lực này nhằm mục tiêu đến cuối năm 2026 hoặc 2027 sẽ lắp ráp phần lớn trong số khoảng 60 triệu chiếc iPhone bán ra mỗi năm tại Mỹ ngay tại Ấn Độ. Công suất sản xuất tại Ấn Độ đã được nâng lên, và đối với các mẫu iPhone hiện tại, chất lượng sản xuất tại Ấn Độ được cho là đã đạt ngang bằng với Trung Quốc.

Tại sao Trung Quốc vẫn nắm giữ "chìa khóa"?

Điểm mấu chốt mà Gurman nhấn mạnh: đợt thúc đẩy sản xuất tại Ấn Độ này chủ yếu áp dụng cho việc lắp ráp các thiết kế iPhone hiện tại hoặc đã được cải tiến nhẹ. Khi nói đến các thiết bị hoàn toàn mới, cực kỳ phức tạp (như chiếc iPhone màn hình gập đầu tiên mà Apple được đồn đại từ lâu, hoặc mẫu iPhone Pro kỷ niệm 20 năm với thiết kế chủ yếu bằng kính), công ty dự kiến vẫn sẽ gắn bó với các đối tác sản xuất lâu năm tại Trung Quốc, ít nhất là trong giai đoạn đầu.

Nguyên nhân là vì việc ra mắt một thiết kế sản phẩm mới đòi hỏi phải làm chủ các linh kiện mới và kỹ thuật sản xuất mới. Từ trước đến nay, Apple luôn chọn Trung Quốc, "vùng an toàn" của mình, để sản xuất các thiết kế hoàn toàn mới, và việc tái tạo khả năng sản xuất tinh xảo này ở nơi khác được xem là điều rất khó. Phải mất nhiều năm để xây dựng được năng lực sản xuất mới cho những sản phẩm khác biệt như vậy.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng "Made in India" thường chỉ đề cập đến khâu lắp ráp cuối cùng. Apple vẫn dựa vào một chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp, trong đó nhiều linh kiện quan trọng vẫn đến từ Trung Quốc và các khu vực khác. Việc chuyển khâu lắp ráp cuối cùng sang Ấn Độ giúp giảm thiểu tác động thuế quan trực tiếp lên sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng sự phụ thuộc vào linh kiện cốt lõi thì vẫn còn nguyên.

Samsung đã thiết lập các nhà máy sản xuất tại Ấn Độ. Ảnh: Samsung

Samsung đã thiết lập các nhà máy sản xuất tại Ấn Độ. Ảnh: Samsung

Bên cạnh đó, các báo cáo cũng cho biết chi phí sản xuất tại Ấn Độ hiện tại cao hơn khoảng 5 - 8% so với Trung Quốc, và việc mở rộng hạ tầng cũng gặp không ít thách thức. Tuy nhiên, những đối thủ như Samsung đã thiết lập các nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Ấn Độ từ nhiều năm trước, cho thấy điều này hoàn toàn khả thi về lâu dài.

Điều này có ý nghĩa gì với người mua iPhone?

Người tiêu dùng có thể sẽ thấy các mẫu iPhone tiêu chuẩn được lắp ráp ngày càng nhiều tại Ấn Độ dành cho thị trường Mỹ, nhưng các thiết kế đột phá nhất có thể vẫn sẽ tiếp tục được sản xuất tại Trung Quốc trong giai đoạn đầu.

Mọi thứ sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến quan hệ thương mại, điều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả hoặc khả năng tiếp cận những mẫu iPhone tiên tiến trong tương lai.

Ở thời điểm hiện tại, Apple thực sự đang trong tình thế "thăng bằng trên dây". Đa dạng hóa sản xuất sang Ấn Độ là điều bắt buộc để đối phó với các rủi ro thuế quan, nhưng công ty cũng không thể để xảy ra sai sót khi tung ra "sản phẩm bom tấn tiếp theo" của mình.

Trong khi sự chuyển dịch sang Ấn Độ đang diễn ra mạnh mẽ đối với các thiết kế hiện tại, thì việc đạt được sự độc lập sản xuất thực sự cho tất cả sản phẩm của Apple, đặc biệt là những sản phẩm đột phá nhất, vẫn là một hành trình rất dài phía trước.

(Theo PhoneArena, FT)

Hải Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trung-quoc-van-nam-chia-khoa-iphone-du-apple-tang-cuong-san-xuat-ra-ben-ngoai-2395883.html