Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an

Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ do Chính phủ quyết định theo thẩm quyền và dự kiến Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, chiều 22/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án Luật Dữ liệu.

Về cơ sở thực tiễn, Đại tướng Lương Tam Quang cho biết nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như: Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc); Luật Quản trị dữ liệu của Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu; Đạo luật dữ liệu Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay, ví dụ như: Đan Mạch, Nhật Bản, Trung Quốc... Do vậy, việc định hướng xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang (Ảnh: Media Quốc hội).

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm mục đích tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Với việc phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, ông Quang cho biết đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, dự thảo luật được xây dựng có 7 chương, trong đó Chương II quy định các nội dung về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia...

Chương III quy định về nguyên tắc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trách nhiệm cung cấp dữ liệu của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, tổ chức khác...

Chương IV quy định về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu quốc gia; đăng ký, cấp tài nguyên hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia; nâng cấp, bảo trì, sửa chữa hạ tầng, thiết bị đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia... Các chương còn lại quy định về sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; tổ chức thực hiện và điều khoản thi thành.

Về phân quyền quản lý Nhà nước về dữ liệu, theo dự thảo Luật, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về dữ liệu, Bộ Công an là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về dữ liệu.

Về nguồn lực đảm bảo cho việc thi hành Luật, Đại tướng Lương Tam Quang cho biết việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ do Chính phủ quyết định theo thẩm quyền và dự kiến Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự kiến Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ thu hút, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện vận hành, quản trị hệ thống đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế trong quản trị dữ liệu.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới (Ảnh: Media Quốc hội).

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu.

Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, Báo cáo đánh giá tác động cơ bản đánh giá rõ các chính sách được đề nghị xây dựng, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

"Có ý kiến cho rằng, đây là dự án Luật hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin nên cần xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp", cơ quan thẩm tra nêu rõ.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trung-tam-du-lieu-quoc-gia-se-la-mot-don-vi-moi-thuoc-bo-cong-an-204241022160003431.htm