Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài hoạt động có hiệu quả?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Pháp, Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Lào có mức đầu tư khá khiêm tốn nhưng hiện nay hoạt động rất tốt, là nơi giao lưu, dạy văn hóa cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Hôm nay (19/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Việc đầu tư trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận trong phiên thảo luận sáng 19/6, về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Theo tờ trình của Chính phủ, nguồn lực huy động cho chương trình giai đoạn 2025-2035 là hơn 122.000 tỷ đồng; giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn ngân sách Trung ương và địa phương.

Trung tâm văn hóa ở nước ngoài “đắt nhưng không hiệu quả”

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) đề cập việc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 có đặt ra mục tiêu xây dựng một số trung tâm văn hóa ở nước ngoài, tuy nhiên chưa có chỉ tiêu cụ thể về nội dung này.

Ông đề nghị quy định rõ chỉ tiêu từ nay tới 2035 sẽ xây dựng bao nhiêu trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc).

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc).

Dùng quyền tranh luận để trao đổi với đại biểu Nguyễn Văn Mạnh về nội dung này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng đây là ý tưởng hay nhưng không mới và rất khó khả thi.

"Đầu tư cơ sở vật chất ở các nước phát triển là vô cùng đắt đỏ, nhưng mối lo hơn là duy trì và phát triển hiệu quả", ông Hiếu nhấn mạnh.

Vị đại biểu lo ngại thiếu người tâm huyết và có trình độ để vận hành các trung tâm này, trong khi vấn đề nhiệm kỳ là rào cản lớn nhất trong việc xây dựng các chương trình dài hạn và có chiều sâu.

"Nếu cứ theo cách đang làm, chúng ta cũng có thể có những trung tâm văn hóa ở nước ngoài để cắt băng khánh thành và giải ngân, nhưng rồi cũng sẽ chết yểu hoặc sống ngắc ngoải như một vài cơ sở hiện nay", đại biểu Hiếu lo ngại.

Ông góp ý có thể hỗ trợ cho các Hội đoàn người Việt và các nhóm kiều bào tự tổ chức và quản lý các trung tâm văn hóa - thương mại - dịch vụ tại các nước và họ tự trang trải kinh phí bằng chính các dịch vụ như nhà hàng ẩm thực, cafe, siêu thị hàng Việt Nam.

Một vấn đề khác trong phát triển văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, có thể lựa chọn phương án thông qua các sản phẩm nghệ thuật như triển lãm tranh, chương trình văn nghệ hay các bộ phim. Song ông lưu ý Bộ Văn hóa cần có kế hoạch tổng thể để tránh lãng phí, và hạn chế xin - cho trong quá trình chấp thuận các chương trình được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Về vấn đề con người, ông Hiếu nêu thực tế rất nhiều tài năng văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chưa được phát huy. Do vậy, cần đầu tư xây dựng mạng lưới hội sinh hoạt của người Việt rộng khắp trên thế giới.

"Đầu tư bài bản, tường minh, xuất phát từ con người chúng ta mới chấn hưng được nền văn hóa đang còn quá nhiều vấn đề", ông Hiếu nói.

Các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài hoạt động rất hiệu quả

Tiếp thu các ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, ông đã lắng nghe, ghi chép đầy đủ 29 ý kiến phát biểu của các vị đại biểu tại phiên thảo luận ở hội trường và xin phép được báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội một số vấn đề.

“Quả thực mà nói với 29 nội dung mà các đại biểu đề cập rất sâu sắc, rất tâm huyết và rất trách nhiệm, chúng tôi không thể với quỹ thời gian cho phép để lần lượt trả lời hết và giải trình hết được tất cả các ý kiến đó, vì vậy trước khi đi vào nhóm vấn đề, tôi xin phép được nói một vài cảm xúc của những người đang làm công tác quản lý văn hóa mà Quốc hội giao”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết rất phấn khởi khi 29 ý kiến này đều thảo luận và thống nhất cao sự cần thiết phải có chương trình và mong muốn chương trình sớm được ban hành, đóng góp nhiều ý kiến để chương trình có tính khả thi cao hơn khi triển khai thực tế, đó chính là những ý kiến rất trách nhiệm.

Bọ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia không đơn giản. Nó rất rộng chứ nó không phải chỉ là một chương trình đầu tư công. Nếu là một chương trình đầu tư công cho một dự án đầu tư công chắc sẽ rẻ hơn rất nhiều.

“Chính vì vậy quả thực khó, khó nhưng vẫn phải làm, khó là chúng ta đang tiếp cận để chúng ta thấy được văn hóa phải đặt được ngang hàng với kinh tế - chính trị về phát triển văn hóa, vì vậy hôm nay Quốc hội bàn nhưng Quốc hội kỳ sau mới tổ chức triển khai thực hiện”, ông Hùng cho biết.

Nói về nguồn lực cho phát triển các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, tiền nhiều hay ít không quan trọng bằng cách cho như cha ông mình hay nói.

“Khi làm chúng tôi cũng phải dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chúng tôi tính toán trong lộ trình, ví dụ các nguồn thu, bội thu ngân sách của Nhà nước trong những năm gần đây, tính toán về tổng nguồn để dự kiến có thể phù hợp và tương thích với các chương trình khác ở trong này. Chúng tôi nghĩ vấn đề không quá lớn nếu đại biểu có một sự cảm thông, chia sẻ”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nói, về đối tượng hưởng thụ có cả người dân trong và ngoài nước. Vì Hiến pháp nước ta khẳng định, mọi người đều có quyền hưởng thu và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các hoạt động văn hóa. Ttrong này đối tượng, là Nhân dân cả nước, nhưng còn mở rộng thêm kiều bào ta ở nước ngoài.

Đại biểu dự kỳ họp .

Đại biểu dự kỳ họp .

“Bác Hồ đã nói kiều bào ở nước ngoài là bộ phận máu thịt của dân tộc và gần đây Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị nói về việc này cũng rất kỹ. Vì vậy, việc này chúng ta làm thôi. Quốc hội là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại sao các khóa trước lại cho phép xây dựng Trung tâm Văn hóa ở Pháp có 252 tỷ đồng, Trung tâm Văn hóa ở Lào có 190 tỷ đồng, như hiện nay hoạt động rất tốt, có lẽ vì đại biểu chưa có điều kiện để tiếp cận.

Đó là nơi dạy tiếng Việt, là ngôi nhà chung của kiều bào Việt Nam, là nơi để được thể hiện văn hóa. Nếu như các em, các chị thấy ngày 19/5 vừa qua kỷ niệm sinh nhật Bác, toàn những em bé ngoại quốc hát bài hát bằng tiếng Việt "ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng", thật sự xúc động và thấy được giá trị văn hóa của Việt Nam, rất ý nghĩa”, ông Hùng khẳng định.

Từ các dẫn chứng trên, ông Hùng khẳng định: “Chúng tôi không phải đề xuất xây dựng tất cả mà chỉ có cộng đồng nào đông người Việt Nam nhiều nhất, theo thứ tự và sau này Chính phủ báo cáo Quốc hội các dự án cụ thể. Hiện nay, các trung tâm này hoạt động rất tốt, biên chế chỉ có 3 người và có nghệ sĩ chúng tôi luân phiên nhau để đi sang hoạt động, còn chủ yếu dựa vào Hiệp đoàn, Liên đoàn, Hiệp hội và đồng bào ở đó, đội ngũ văn nghệ sĩ ở đó, rất gọn”.

Về các ý kiến đóng góp Bộ trưởng cho rằng, rất xác đáng và cần phải rà soát về chỉ tiêu, bộ sẽ tiếp thu để làm sao đó không tuyệt đối hóa nhưng khi tổ chức thực hiện thì phải có xem xét và theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chọn ra các lĩnh vực để tính toán nhưng đảm bảo tính hài hòa tổng thể trong một mối tổng thể như Đảng ta xác định văn hóa phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền và Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ là người giữ vai trò quan trọng ở trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sẽ tính toán và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để tiếp tục rà soát, kể cả về nhóm đối tượng, nhóm địa bàn để xem xét rồi phân khu nó lại và hoàn thiện việc này để trình Quốc hội trong thời gian tới.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/trung-tam-van-hoa-viet-nam-o-nuoc-ngoai-hoat-dong-co-hieu-qua-post1102530.vov