Trung thu của bé

Trung thu của bé
Là ông trăng tròn
Múa lân, sư tử
Thắp đèn kéo quân

Dài theo nhịp trống
Rồng rắn nối nhau
Ông sao năm cánh
Với muôn sắc màu

Trăng như quả bưởi
Trên trời ai treo
Chạy đâu cũng thấy
Trăng tròn đuổi theo

Vàng thơm chuối chín
Mâm cổ bày ra
Quả trăng ở giữa
Vui chung cả nhà

NGUYỄN QUỐC HUY

Lời bình:

Viết về trung thu, tác giả Nguyễn Quốc Huy đã chọn thể thơ bốn chữ như một khúc đồng dao tạo ra nhịp ngắn hợp với tính sinh động, hồ hởi, náo nức của trẻ thơ. “Trung thu của bé” là một khẳng định, một sự tôn vinh với bao niềm yêu thương con trẻ. “Trung thu của bé” cũng là một thế giới riêng của các em, qua con mắt nhìn rất trẻ thơ của tác giả và cao hơn đó là sự hòa nhập, hóa thân đồng cảm đồng điệu của nhà thơ.

Bài thơ bắt đầu dẫn dắt, giới thiệu của không gian rằm trung thu: “Trung thu của bé/ Là ông trăng tròn”. Ông trăng đêm rằm luôn là tâm điểm của trung thu để từ đó tỏa sáng tỏa rạng. Từ ông trăng tròn trên cao qua ống kính của tâm hồn thi sĩ đã chuyển cảnh xuống các hoạt động tưng bừng của đêm rằm trung thu từ “Múa lân sư tử” đến “Thắp đèn kéo quân”. Ở đây, ta chú ý đến hai hình ảnh tương xứng là trăng rằm và đèn kéo quân đều là ánh sáng từ đó lan tỏa hào quang rạng rỡ. Và không chỉ có ánh sáng mà còn âm thanh náo nức của “Dài theo nhịp trống” đây là một sự phát hiện khá tinh tế cứ theo nhịp trống tùng dinh đã giúp ta hình dung ra đoàn rồng rắn các em nối đuôi nhau qua bao ngõ xóm. Từ một kích thước “dài”của tiếng trống trải ra bao xốn xang, bao hồ hởi, từ trăng rằm đến đèn kéo quan và ông sao năm cánh đó là những ngọn đèn đặc trưng cho rằm trung thu. Ánh sáng trăng của thiên nhiên đất trời, ánh sáng của những ngọn đèn do bàn tay con người làm ra tất cả đều hài hòa, đều trong trẻo thuần khiết “Với muôn sắc màu” đã hòa sắc, đã tươi thắm tạo nên những lung linh, những phấn chấn hào hứng. Đó cũng chính là nét rạng rỡ của rằm trung thu để từ đó các em nhìn ra “Trăng như quả bưởi/ Trên trời ai treo”. Trong mâm cổ trung thu thì quả bưởi tròn là tâm điểm. Trăng như là quả bưởi chung cho mọi mâm cỗ là cách nhìn mang tính cộng hưởng, nhưng đến sự phát hiện: “Chạy đâu cũng thấy/ Trăng tròn đuổi theo” thì đã nâng lên thành cái cảm giác của một quy luật quang học. Phải có tấm lòng yêu mến con trẻ, phải có sự hóa thân hồn niên trong trẻo, nhà thơ mới bất ngờ nhận ra điều đó. Một cuộc đuổi bắt thân tình tạo ra một âm vang xốn xang, một không gian hòa quyện với bao lưu luyến.

Khổ thơ cuối là một cái kết có hậu khi được phá cổ trung thu: “Vàng thơm chuối chín/ Mâm cổ bày ra”. Ở đây tác giả không viết “Chuối chìn vàng thơm” như một quy luật tự nhiên ai cũng biết mà “Vàng thơm chuối chín” là sắc màu dẫn dắt hương thơm chuối chín như là một sự rạng rỡ chan hòa trong ánh trăng rằm từ thị giác đến vị giác. Từ đó tôn vinh vẻ đẹp vũ trụ của đêm rằm trung thu khi “Quả trăng ở giữa/ Vui chung cả nhà” Đó cũng chính là một sự tròn đầy ước vọng với bao gửi gắm về một thế giới chung cho trẻ thơ, thế giới của bao điều tốt đẹp tỏa sáng từ ánh trăng rằm trung thu, ánh sáng của hạnh phúc tròn đầy và viên mãn.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202409/trung-thu-cua-be-5e62c49/