Trung thu xóm nghèo

Trên sân khấu vốn thường ngày là lớp học tình thương Bình Trưng Đông (khu phố 1, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM), nay được trang trí phông nền 'Vui Tết Trung thu' có thêm bong bóng, lồng đèn. Các bạn nhỏ được diện trang phục tươm tất trình diễn chương trình văn nghệ nhiều tiết mục.

Sân khấu của em

Như tạm cất cái nghèo, cái khó bên ngoài sân khấu này, các em nhỏ trở thành những ngôi sao sáng trong một đêm rộn ràng của tuổi thơ. Nhiều phụ huynh cũng kéo đến xem các cháu biểu diễn văn nghệ.

Chỉ tay về cháu gái của mình là bé Nguyễn Trúc Mai (9 tuổi), bà Trương Thị Kim Loan vui mừng kể: “Ở nhà nó nhút nhát lắm, vậy mà tối nay lên sân khấu múa liền mấy bài”. Như các bé ở lớp học tình thương Bình Trưng Đông, gia cảnh của bé Mai khó khăn khi không có ba mẹ bên cạnh, phải sống cùng bà nội từ nhỏ. Bà nội của Mai làm thuê, làm mướn, ráng lo cho cháu ăn học qua ngày. Sau cánh gà, bé Mai kể, hồi mới tập, nguyên đội văn nghệ ai cũng múa dở, không nhớ bài, nhờ bà Bảy lúc nào cũng khen và động viên nên bạn nào cũng tự tin lên.

Các bé lớp học tình thương Bình Trưng Đông biểu diễn văn nghệ mừng Trung thu

Các bé lớp học tình thương Bình Trưng Đông biểu diễn văn nghệ mừng Trung thu

Ngồi dưới sân khấu huơ tay nhắc động tác cho đám nhỏ, dì Nguyễn Thị Bảy - người dạy học và phụ trách tập văn nghệ cho các em nhỏ ở lớp học tình thương Bình Trưng Đông - kể: “Phải tập các tiết mục này từ 10 ngày nay cho đám nhỏ. Cứ chiều đi học về là tụi nhỏ chạy lại lớp học để tập. Tập cho tụi nhỏ khó lắm, vì lớp học nhiều lứa tuổi, có đứa lớn đứa nhỏ, đứa tập nhanh, tập chậm. Rồi cũng có em chậm phát triển nhưng mê văn nghệ lắm, nghe nhạc cứ đòi tập với anh chị. Nhìn mấy đứa múa hát thấy thương”.

Niềm vui đêm Trung thu

Say sưa nhìn con gái là bé Nguyễn Trần Mai Tuyết tự tin biểu diễn một mình bài “Bống bống bang bang” trong tiếng vỗ tay rần rần của mọi người, chị Trần Thị Mỹ Ngân (36 tuổi) không khỏi tự hào. Sống ở xóm lao động nghèo, chỉ biết làm thuê làm mướn mưu sinh, chồng đi làm thợ hồ thu nhập bấp bênh, lo cho các con cái ăn cái mặc đã khó với chị, huống gì là một tuổi thơ nhiều tiếng cười.

Chị xúc động nói: “Con nít xóm nghèo để được đi học thôi đã là cả một sự cố gắng lớn lao của cha mẹ. Lo ăn uống đủ đầy cũng khó. May mà có các nhà hảo tâm, các bà các cô ở lớp học tình thương, các cháu mới có được một Tết Trung Thu ý nghĩa. Các cháu được biểu diễn văn nghệ, có bánh, có lồng đèn, được cho ăn bữa tối”.

Đêm Trung Thu này, người vui nhất có lẽ là em Ngô Lê Hoàng Ý Ngọc khi được các cô chú tặng cho chiếc xe đạp mới toanh để đi học. Ngọc năm nay đã là học sinh lớp 10 Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2). Do bị bệnh hiểm nghèo, Ngọc nhỏ bé như học sinh lớp 5, phấn đấu để đi học được đến giờ này là cả một hành trình dài em gắng gượng vượt lên bệnh tật, hoàn cảnh nghèo khó.

Nhận chiếc xe mới, bé Ngọc cười tít mắt: “Bữa giờ con cứ mong có chiếc xe đạp mà nhà không có điều kiện. Nhờ có cô chú, các bà ở lớp học tình thương mà con có xe để đi học”.

Cũng trong đêm Trung Thu, bé Phạm Thanh Tuyền (10 tuổi, học viên lớp học tình thương) được tặng học bổng. Ngồi dưới nhìn con lên nhận học bổng, chị Phương Thảo xúc động kể: “Tôi làm mướn, phụ việc này kia, chồng làm bảo vệ, nên kinh tế gia đình bấp bênh. Để lo cho bé Tuyền (đang học lớp 4) và bé Phạm Đăng Khoa (lớp 3) được đi học đầy đủ, hai vợ chồng phải đầu tắt mặt tối. Thấy con được khu phố chăm lo, quan tâm, tôi rất xúc động”.

Đêm Trung Thu giản đơn, ấm cúng của riêng trẻ con xóm nghèo đã kết thúc. Các tiết mục văn nghệ, tiếng nhạc rộn rã cũng đã tắt. Các em nhỏ hồn nhiên ca hát, vui chơi xong được xách lồng đèn, bánh mang về. Niềm vui một đêm Trung Thu ấm tình người vẫn còn đó…

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/trung-thu-xom-ngheo-616160.html