Trừng trị Jack Ma, Trung Quốc tự đẩy nền kinh tế vào thế khó?
Trung Quốc muốn cắt giảm quy mô của các tập đoàn công nghệ lớn, ngăn chặn lạm dụng thế độc quyền và chấp nhận rủi ro quá mức. Tuy nhiên, những động thái trên có thể phản tác dụng.
Theo CNN, Trung Quốc đang kìm hãm tinh thần kinh doanh vốn góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Trong những tháng qua, một số công ty công nghệ bị điều tra vì cáo buộc độc quyền hoặc vi phạm quyền của người tiêu dùng. Giá trị vốn hóa thị trường của các tập đoàn lớn nhất đã bay hơi 600 tỷ USD.
Một số doanh nhân đã thoái lui. Hôm 19/5, ông Zhang Yiming, nhà sáng lập kiêm CEO ByteDance - công ty mẹ của TikTok, tuyên bố sẽ từ chức CEO vào cuối năm nay. Năm 2020, ông Hoàng Tranh - nhà sáng lập Pinduoduo - cũng từ chức CEO công ty. Khoảng 8 tháng sau, ông rời bỏ vị trí chủ tịch.
Tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba - hiếm khi xuất hiện trước công chúng. "Bầu không khí độc hại đang bao trùm ngành công nghệ của Trung Quốc", chuyên gia Alex Capri tại Hinrich Foundation bình luận. Ông mô tả động thái của CEO ByteDance là "bằng chứng cho thấy nỗi sợ hãi đang lấn át tham vọng".
Cản đường các tập đoàn lớn
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã vươn lên từ một nước nghèo trở thành động lực kinh tế, công nghệ lớn nhất toàn cầu. Nếu động lực đó không còn, đất nước tỷ dân không chỉ đánh mất vị thế hiện tại, mà còn thất bại trong tham vọng dẫn đầu thế giới về công nghệ ở tương lai.
Theo CNN, các doanh nhân Trung Quốc chỉ cần nhìn vào bài học của ông Ma. Tháng 10/2020, khi Ant chuẩn bị IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), tỷ phú Jack Ma đã chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc tại một hội nghị ở Thượng Hải.
Ông mô tả hệ thống ngân hàng Trung Quốc "hoạt động như tiệm cầm đồ." Ngay sau đó, đợt IPO của Ant bị yêu cầu hủy bỏ. Công ty phải sửa đổi mô hình kinh doanh và chịu quản lý nghiêm ngặt. Alibaba cũng phải trả khoản phạt kỷ lục hồi tháng 4 vì các vấn đề độc quyền. Ông Ma hiếm khi xuất hiện kể từ đó.
Theo CNN, Bắc Kinh muốn siết chặt kiểm soát doanh nghiệp tư nhân, bởi họ tin rằng nền kinh tế do nhà nước quản lý sẽ hiệu quả hơn nền kinh tế dựa trên cách tiếp cận thị trường tự do. "Các lãnh đạo doanh nghiệp đã trở nên quá quyền lực so với những gì chính quyền Trung Quốc cho phép", ông Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học SOAS London bình luận.
Trên thực tế, phép màu kinh tế của Trung Quốc bắt đầu sau quyết định của Bắc Kinh từ cuối những năm 1970. Đó là từ bỏ quyền kiểm soát nền kinh tế và áp dụng cách tiếp cận thị trường tự do trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc được tự do huy động vốn ở nước ngoài. Các ván cược của SoftBank (Nhật Bản) vào Alibaba và Naspers (Nam Phi) với Tencent cách đây khoảng 20 năm đã thành công rực rỡ.
Việc chính quyền Bắc Kinh tăng cường kiểm soát có thể cản đường các doanh nghiệp tư nhân đổi mới và theo kịp những đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu. "Nhà đầu tư có thể mất động lực rót tiền cho các công ty tư nhân Trung Quốc nếu họ lo lắng về sự can thiệp không mong muốn của chính phủ", giáo sư Sonja Opper tại Đại học Bocconi (Italy) bình luận.
Vốn hóa của Alibaba đã bốc hơi hơn 240 tỷ USD kể từ khi Ant Group hoãn IPO hồi tháng 11/2020. Tencent chứng kiến 173 tỷ USD bị xóa sổ khỏi giá trị vốn hóa thị trường kể từ mức đỉnh hồi tháng 1. Trong khi đó, tổng vốn hóa của các công ty thương mại điện tử Pinduoduo, JD.com và công ty giao thực phẩm khổng lồ Meituan bốc hơi 231 tỷ USD từ mức đỉnh tháng 2.
Phản tác dụng
Bắc Kinh rõ ràng không muốn xóa sổ khu vực tư nhân. Khu vực đóng góp cho 2/3 GDP đất nước và sử dụng 80% lao động. Tuy nhiên, mong muốn của chính quyền Trung Quốc là khu vực nhà nước dẫn đầu và khu vực tư nhân giữ vai trò hỗ trợ.
"Đó là một nghịch lý", chuyên gia Nicholas Lardy tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) nhận xét. Theo ông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn nhà nước đóng vai trò lớn. Nhưng để đạt được tham vọng trở thành người dẫn đầu đổi mới năm 2035 và siêu cường công nghệ toàn cầu năm 2050, Bắc Kinh cần phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực tư nhân.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tục nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm phụ thuộc vào phương Tây về công nghệ, nhất là khi Washington hạn chế khả năng tiếp cận của doanh nghiệp Trung Quốc đối với công nghệ Mỹ.
Các doanh nghiệp quốc doanh tại Trung Quốc sẽ không thể lấp đầy khoảng trống do thiếu động cơ lợi nhuận và cơ cấu kiểm soát chặt chẽ hơn
Giáo sư Sonja Opper tại Đại học Bocconi (Italy)
Tuy nhiên, các công ty thúc đẩy sự phát triển và đổi mới ở Trung Quốc không phải doanh nghiệp quốc doanh. Đó là những Alibaba, Huawei. Theo China Enterprise Confederation, năm ngoái, họ chi nhiều hơn bất cứ công ty nào khác về nghiên cứu và phát triển.
"Tự do cho phép họ giải phóng năng suất và đạt sự đổi mới chưa từng thấy ở bất cứ doanh nghiệp quốc doanh nào tại Trung Quốc", bà Opper nhận định.
Theo bà, Bắc Kinh có thể quá tự tin vào chiến lược kinh tế từ trên xuống. "Đó là chiến lược ưu tiên những mục tiêu ngắn hạn hơn các mục tiêu tăng trưởng và phát triển trung hạn", bà Opper nhận xét. "Các doanh nghiệp quốc doanh sẽ không thể lấp đầy khoảng trống do thiếu động cơ lợi nhuận và cơ cấu kiểm soát chặt chẽ hơn", bà nói thêm.
Các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc kém hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực và cạnh tranh với khu vực tư nhân. Họ tạo ra số việc làm ít hơn nhiều doanh nghiệp tư nhân và chiếm tới 70% nợ doanh nghiệp ngoài lĩnh vực tài chính.
Điều đó gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế. Do đó, ông Tsang tại SOAS nhận định "Trung Quốc đang lựa chọn con đường rủi ro hơn con đường còn lại".