Trung tướng Lê Quốc Hùng lý giải việc cấp căn cước cho người gốc Việt
Chiều 9/5, Ủy ban Quốc phòng và An ninh họp thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho biết, việc xây dựng dự án Luật nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số...
Theo ông Nguyên, dự thảo được xây dựng theo 4 chính sách, gồm cả việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam). Để cụ thể hóa các chính sách, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án luật từ "Luật CCCD (sửa đổi)" thành "Luật Căn cước".
Tại phiên họp, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng đánh giá, CCCD gắn chip như một "chìa khóa" để mọi công dân đi lại, giao dịch kinh tế, dân sự, thuận tiện trong sinh hoạt.
"Trong tương lai việc giảm giấy tờ là cần thiết, tạo sự thuận lợi cho công dân trong giao dịch. Hoạt động trong môi trường điện tử cũng là xu thế tất yếu”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân “ấn tượng” với việc mở rộng đối tượng cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
"Qua khảo sát các tỉnh miền Tây, chúng tôi thấy điều này rất tốt”, nhấn mạnh điều này, song đại biểu Xuân cũng cho rằng, cần có tiêu chí quy định cụ thể hơn, như sinh sống trong bao lâu, điều kiện giấy tờ cần thiết, chủ thể phối hợp là ai...
Về việc cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi, theo ĐB, đây cũng là bước tiến, giúp các em đi học, khám bệnh rất thuận lợi... Tuy nhiên, cần có thêm quy định về cha mẹ, người giám hộ trong quản lý, sử dụng CCCD cho người dưới 14 tuổi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy băn khoăn bởi nhân dạng người dưới 14 tuổi thường chưa ổn định, nhưng do việc cấp CCCD là theo nhu cầu, không bắt buộc nên vấn đề này cũng bảo đảm hợp lý.
Giúp ngân hàng tránh được nguy cơ giấy tờ giả
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, toàn ngành hiện có khoảng 150 triệu tài khoản ngân hàng, khoảng 74% dân số trên 15 tuổi có tài khoản. Khi giao dịch ngân hàng, điều đầu tiên là phải định danh được.
Trong khi đó, người dân đến giao dịch, nếu sử dụng CMND thì rất khó phân biệt người đang giao dịch với ảnh trong CMND có phải là một người hay không. Còn sử dụng CCCD gắn chip cho phép kiểm tra được điều này qua giao dịch ngân hàng. “Đây là tiện ích rất lớn nhờ chip điện tử”, ông Dũng cho hay.
"Luật Căn cước ra đời giúp chúng tôi tránh được nguy cơ giấy tờ giả", ông Phạm Tiến Dũng nhìn nhận.
Giải thích vì sao lại cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, đây là lý do Chính phủ chỉnh lý tên gọi là dự án Luật Căn cước, phạm vi bao trùm hơn, bao gồm cả công dân và những người chưa đủ quyền công dân, trong đó có người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam.
"Đây là một bước tiến bộ trong bảo vệ quyền con người, thể hiện trách nhiệm của đất nước trong quản lý người dân sinh ra có gốc Việt Nam, người không có quốc tịch đang sống trên đất Việt Nam, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc", ông Hùng lý giải.